(QK7 Online) – Ngày 13/8, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu chủ trì hội nghị thông qua đề cương đề án “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, kết hợp phát triển KT- XH 3 tỉnh biên giới đất liền trên địa bàn Quân khu 7, giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo”. Dự hội nghị có thủ trưởng Bộ Tham mưu; các Cục: Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật; các phòng chức năng của Quân khu.
Toàn cảnh hội nghị.
Đề cương đề án do Phòng Khoa học Quân sự Quân khu trực tiếp soạn thảo, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn từ các đề án xây dựng tiềm lực quốc phòng, thế trận lòng dân trên các tỉnh biên giới đã được Quân khu triển khai hiệu quả trong thời gian qua, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, mục tiêu của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trong giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo.
Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, thủ trưởng các cơ quan, các phòng chức năng Quân khu đã tham gia đóng góp, làm rõ thêm nhiều nội dung về tên gọi, bố cục, nội dung, đánh giá thực trạng và các giải pháp; nguồn kinh phí và lộ trình thực hiện đề án…
Đại tá Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu trình bày đề cương đề án tại hội nghị.
Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu yêu cầu cơ quan tham mưu soạn thảo đề án tổng hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các ngành, đặc biệt đi sâu làm rõ sự cần thiết phải xây dựng đề án, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao đối với địa phương. Thống nhất tên gọi đề án là “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, kết hợp phát triển KT- XH 3 tỉnh biên giới đất liền trên địa bàn Quân khu 7, giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó xác định rõ phạm vi thực hiện đề án gồm 3 tỉnh biên giới: Long An, Tây Ninh, Bình Phước.
Đại tá Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Để đảm bảo thời gian, các bước thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu giao các cơ quan chức năng trên từng lĩnh vực, nhiệm vụ, bổ sung đầy đủ các văn bản pháp quy, căn cứ pháp lý của ngành. Chỉ đạo xây dựng đề án theo hướng đi sâu, làm rõ từng nội dung về: Tiềm lực chính trị, tinh thần; Tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; Tiềm lực về quốc phòng, an ninh; các mặt công tác về khoa học công nghệ; đối ngoại. Đánh giá đúng và sát đặc điểm tình hình, thực trạng và giải pháp, nhận định, dự báo trong tương lai theo từng nhiệm vụ, đề xuất lộ trình, nguồn kinh phí thực hiện… Trên cơ sở đó giúp cơ quan tham mưu, soạn thảo kịp thời bổ sung, hoàn thiện đề án, tổ chức xin ý kiến đóng góp của các địa phương trước khi thông qua Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trong thời gian tới.
Nguyễn Thế