Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Báo Quân khu 7. Ảnh: Trần Tình
Vào thời điểm trước cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân, Báo Quân giải phóng có 37 cán bộ phóng viên (không tính nhà in và tổ điện đài) trên cả hai tuyến “Vòng trong” và “Vòng ngoài”. Vòng trong gồm Ban Thư ký tòa soạn, Ban Biên tập - bình xã luận, bộ phận tư liệu, nhà in báo, tổ điện đài. Vòng ngoài gồm các phóng viên trực tiếp tác nghiệp ở các đơn vị chiến đấu.
Một ngày cuối năm, tất cả phóng viên được triệu tập về căn cứ, một địa điểm giáp biên giới thuộc Kà Tum (nay thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Tại đây, các phóng viên được phổ biến nhiệm vụ theo các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong bài “Nhớ một mùa xuân đi làm báo”, Trần Phấn Chấn viết: “Trước ngày xuống đường năm ấy, chưa lúc nào đám phóng viên chiến trường chúng tôi tề tựu đông đủ hơn, chỉ còn thiếu Đặng Nhưng ở Bà Rịa, Thế Thành ở U Minh. Đông đủ đến mức cái nhà lá trung quân ở khu rừng Kà Tum suýt nữa sập vì treo võng quá nhiều. Người này hỏi người kia: Lần này không biết về thành luôn hay còn trở lên rừng? Tổ phóng viên chiến trường soát xét lại mọi việc trước giờ ra trận: xét đơn xin vào Đảng của Tô Tấn, kết nạp Đảng cho Tô Sản, chuyển Đảng chính thức cho Trần Phấn Chấn”. Còn Nguyễn Đình Thịnh trong bản thảo cuốn “Ký ức miền Đông” thì kể: “Vào một ngày khoảng 3 giờ chiều, anh Phạm Phú Bằng cho họp tất cả anh em phóng viên, nói: Tới đây các đồng chí sẽ đi chiến trường làm nhiệm vụ đặc biệt cùng cả nước xuống đường. Phải hết sức linh hoạt, nhạy bén và tỉnh táo để hoàn thành nhiệm vụ, dù có phải hy sinh cũng phải xứng đáng với vai trò người phóng viên chiến trường. Sau buổi họp, anh bảo chúng tôi bây giờ cái gì không cần thiết thì bỏ hết, bồng, ba lô cho gọn nhẹ. Chiều hôm đó, tổ phóng viên còn 2 con gà, chúng tôi làm thịt tất để liên hoan. Có chút rượu đế, mọi người cứ dô, dô… chúc nhau gần như vỡ trời. Rồi hứa hẹn sẽ gặp nhau ở Sài Gòn, quyết không trở lại Kà Tum nữa”
Phạm Phú Bằng, Tô Tấn và Phan Tư về Phân khu 1 theo các đơn vị tấn công trên hướng Hóc Môn - Gò Vấp - Tân Bình (Gia Định), phát triển vào Sài Gòn, đánh chiếm khu Hậu cần Gò Vấp, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, trại Pháo binh Cổ Loa, trại Thiết giáp Phù Đổng, Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Phạm Phú Bằng theo Trung đoàn Quyết thắng. Trong bài “Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng”, nhà văn Thanh Giang viết: “Trong căn hầm nổi, chúng tôi thắp đèn cầy khòm lưng viết bài. Đạn pháo nổ ầm ầm, căn hầm chao như đưa võng. Một trái đạn pháo rơi trúng nóc hầm. Trong hầm người chết, Phú Bằng và Thanh Giang bị thương. Vết thương đổ máu trên trang viết giữa chừng. Cho đến hôm chịu một trận pháo kéo dài cho đến 12 giờ đêm Phú Bằng bị thương lần thứ hai, gãy xương đùi. Trương Thành Hỷ phụ trách đội quay phim của Điện ảnh Quân giải phóng cùng Phùng Bất Diệt, Nguyễn Thanh Tịnh khiêng Phú Bằng về tuyến sau”.
Thân Trọng Hân và Trần Phấn Chấn về Phân khu 2 theo các đơn vị tấn công trên hướng Tây, Tây Nam Sài Gòn, từ Đức Hòa, Bến Thủ (Long An) vào các Quận 3, 5, 6, 11, hợp với lực lượng đặc công biệt động đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Khám Chí Hòa, Trường đua Phú Thọ và Biệt khu Thủ đô. Vào đợt II, Thân Trọng Hân theo Tiểu đoàn 269 tiến về hướng đài Rađa Phú Lâm, theo hương lộ 14 đánh cụm địch chốt dã chiến tại Trường đua Phú Thọ, sau đó trụ lại chiến đấu trên các đường Nguyễn Tiểu La, Vĩnh Viễn, Nhựt Tảo, Nguyễn Kim, Chợ Thiếc… và hy sinh tại Quận 5 thành phố Sài Gòn. Trần Phấn Chấn theo Tiểu đoàn 268 vượt sông Vàm Cỏ đánh đồn biệt kích Trà Cú, bị thương ở Đức Hòa, buộc phải trở về tuyến sau điều trị.
Phạm Ngọc Châu, Đỗ Công Viện và Nguyễn Hải Bật về Sư đoàn bộ binh 9, theo Trung đoàn 1 tiến công Trung tâm huấn luyện Quang Trung, đánh địch trên Quốc lộ 1 khu vực Tân Phú Trung, tiến công Chi khu quân sự Thủ Đức và Tổng kho Long Bình. Vào Đợt II: Đỗ Công Viện và Nguyễn Hải Bật tiếp tục theo các đơn vị của Sư đoàn 9. Trung đoàn 1 đánh địch ở khu vực Phú Thọ Hòa, vào Quận 10; Trung đoàn 2 vượt bưng Vĩnh Lộc đến ngã tư Bảy Hiền; Trung đoàn 3 hành quân qua vùng đồng nước Bình Chánh. Riêng Phạm Ngọc Châu về Phân khu 3, theo các đơn vị tiến công trên hướng Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An), Quận 2, 4, 7, 8 (Sài Gòn - Gia Định); rồi theo Tiểu đoàn 5 tấn công trên hướng An Lạc - Bình Chánh. Trong bài viết “Nhà báo liệt sĩ Phạm Ngọc Châu”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn viết: “Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, khi lùi ra vùng chợ Đệm - Tân Kiên thì máy bay Mỹ phát hiện thả bom napan. Châu bị trúng bom xăng bốc cháy, chạy lăn trên cánh đồng cỏ Tân Kiên, rực sáng như ngọn đuốc sống”.
Mai Bá Thiện và Nguyễn Đình Thịnh về Sư đoàn bộ binh 7, theo các đơn vị chiến đấu ngăn chặn Sư đoàn bộ binh 1 và Trung đoàn thiết giáp Mỹ trên đường 13 đoạn Bầu Bàng - Bến Cát và đường 16 đi Tân Uyên, tập kích Chi khu Bến Cát nhằm kéo địch từ Sài Gòn lên, giảm áp lực của chúng đối với các lực lượng tiến công vào thành phố Sài Gòn. Vào Đợt II, Nguyễn Đình Thịnh và Trương Quốc Tụy theo Trung đoàn 165 chặn đánh hoạt động phản kích của Sư đoàn bộ binh 5 quân đội Sài Gòn ở Hòa Thành, Bình Chuẩn, Bình Nhâm (Lái Thiêu - Bình Dương); Mai Bá Thiện theo Trung đoàn 141 vòng lên Chiến khu Đ, tập kích tiểu đoàn quân Úc tại Sở Hội.
Phạm Ngọc Thành, Tô Sản, Đặng Văn Nhưng về Sư đoàn bộ binh 5, theo các đơn vị từ Bà Rịa hành quân lên đánh chiếm sân bay Biên Hòa, Bộ tư lệnh dã chiến II Mỹ, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, Trường sĩ quan Thủ Đức, Trại giam Biên Hòa và phối hợp hỗ trợ lực lượng vũ trang cùng Nhân dân địa phương nổi dậy giải phóng thị xã Biên Hòa. Bước vào Đợt II, Phạm Ngọc Thành, Tô Sản cơ động theo Bộ Chỉ huy Sư đoàn cùng Trung đoàn 5 lên mặt trận Tây Bắc Sài Gòn, chiến đấu đánh địch trên địa bàn Trảng Bàng, Dầu Tiếng, Dương Minh Châu. Đặng Văn Nhưng ở lại Bà Rịa với Trung đoàn 4, sau đó về Đoàn Hậu cần khu vực 84 đang làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và bảo đảm hậu cần cho các cơ quan, đơn vị vũ trang cho đến khi bị thương.
Trương Quốc Tụy, Nguyễn Hữu Đản và Nguyễn Văn Kỳ về Phân khu 5 theo các đơn vị tấn công trên hướng Đông Bắc Sài Gòn, từ Dĩ An, Phú Giáo, Tân Uyên (Bình Dương) đến Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây (Sài Gòn - Gia Định); đánh chiếm các mục tiêu cầu Xa Lộ, Liên trường Thủ Đức, rồi phát triển vào nội thành. Bước vào Đợt II, Nguyễn Văn Kỳ theo Tiểu đoàn 4 Phú Lợi vượt sông Sài Gòn đánh sang An Phú Đông, Gò Vấp; Nguyễn Hữu Đản cùng Trung đoàn Đồng Nai tiến đánh khu vực Ngã năm Bình Hòa, Ngã tư Xóm Gà, Ngã ba Cây Thị, cầu Bình Lợi; Trương Quốc Tụy cùng bộ đội địa phương huyện phối hợp với Sư đoàn 7 chặn đánh địch ở Lái Thiêu, Thạnh Xuân, Ngã Tư Ga.
Trong lúc các phóng viên vòng ngoài đang tác nghiệp và chiến đấu trên 5 hướng tiến về Sài Gòn, nhiều nhà báo ở Vòng trong cũng theo các cánh quân tiến ra mặt trận, cùng bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường ven đô. Bộ phận Thư ký tòa soạn, lên trang và minh họa, sửa bản in, ấn loát, phát hành làm việc không kể ngày đêm. Tính từ số xuân Mậu Thân (ra ngày 2-1-1968) đến số 149 phát hành sau Đợt 2 cuộc Tổng tiến công (ra ngày 20-5-1968), Báo Quân giải phóng xuất bản gần 20 số. Có thể nói, không có một diễn biến nào của cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân không được phản ánh trên mặt báo. Nó thực sự là một mũi tiến công đặc biệt góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.