(QK7 Online) - Chiều ngày 21/11, tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2/12/1964 - 2/12/2024) do Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Bình Giã và Đền thờ Liệt sĩ huyện Châu Đức.
Đại biểu dương hoa tỏ lòng thành kính các Anh hùng liệt sĩ.
Tham dự lễ dâng hương có đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng; Đại tá Lê Xuân Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 7; đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Đức.
Thượng tướng Lê Huy Vinh và đồng chí Phạm Viết Thanh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Bình Giã.
Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, Bình Giã là địa bàn quan trọng đối với địch về quân sự, chính trị, kinh tế. Xung quanh Bình Giã, địch bố trí một lực lượng quân sự hùng hậu, được trang bị vũ khí hiện đại, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cố vấn Mỹ. Trước tình hình này, để tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, ngày 2/12/1964, ta quyết định mở chiến dịch Bình Giã. Lực lượng tham gia Chiến dịch Bình Giã của ta gồm có: 2 trung đoàn bộ binh (761 và 762), 4 tiểu đoàn trợ chiến (cối 81, ĐKZ 75, trọng liên 12,7) của Bộ Tư lệnh miền; 2 tiểu đoàn (d800 và d500) của Quân khu 7; đại đội 445 của tỉnh Bà Rịa; 1 tiểu đoàn (d186) của Quân khu 6 và lực lượng tại chỗ của địa phương. Vũ khí trang bị cho các lực lượng chủ yếu là vũ khí cũ và vũ khí lấy được của địch trong các trận chiến trước đó. Mặc dù lực lượng tham gia chiến dịch mỏng, trang bị vũ khí còn thiếu thốn và thô sơ nhưng dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh miền và đặc biệt là tinh thần chiến đấu anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, ta đã giành chiến thắng vang dội.
Đại tá Lê Xuân Bình, Phó Tư lệnh Quân khu dâng hương các Anh hùng liệt sĩ.
Kết thúc Chiến dịch Bình Giã (7/3/1965), ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn thủy quân lục chiến 4, Tiểu đoàn biệt động quân 33 và Chi đoàn xe cơ giới M113; đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn khác và nhiều đại đội; bắn rơi, phá hủy 56 máy bay, 45 xe quân sự; tiêu diệt và làm bị thương hơn 1.700 quân địch; thu hơn 1.000 khẩu súng các loại và gần 100 máy thông tin. Qua chiến dịch, ta phá banh, phá rã nhiều “ấp chiến lược”, cơ bản giải phóng vùng nông thôn các huyện Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc và một phần huyện Xuân Lộc. Nhờ vậy, căn cứ kháng chiến của ta được mở rộng từ Châu Pha, Hắc Dịch nối liền với chiến khu D.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ huyện Châu Đức.
Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cách mạng miền Nam. Chiến thắng này đã chứng minh tính đúng đắn về đường lối cách mạng miền Nam của Đảng; chứng tỏ sự trưởng thành của quân đội ta về chiến thuật, chiến dịch và nghệ thuật chỉ đạo tác chiến; tạo bước ngoặt so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Bên cạnh đó, Chiến thắng Bình Giã còn có ý nghĩa chính trị to lớn ở trong và ngoài nước; tăng thêm niềm tin tất thắng của toàn dân, toàn quân ta, từ đó tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vào ngày 30/4/1975.
Đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.
Để có được thắng lợi to lớn ấy đã có biết bao người con ưu tú, kiên trung, bất khuất, đã anh dung hy sinh để lại một phần thân thể trên khắp chiến trường, họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Năm tháng sẽ trôi qua nhưng địa danh Bình Giã gắn liền với Chiến dịch Bình Giã sẽ đi vào lịch sử của dân tộc và mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay và mãi mãi về sau.
Quang cảnh lễ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Bình Giã.
Với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn các Anh hùng liệt sĩ, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cùng các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và những người con ưu tú của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, họ đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, anh dũng chiến đấu, hy sinh, dâng trọn đời mình cho Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã.
Ngọc Duy