Tháng 6 năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình nhận lệnh ra Trung ương nhận nhiệm vụ. Ngày 6 tháng 7, đồng chí khởi hành từ Chiến khu Đ cùng với Đoàn gồm 22 người. Trên đường hành quân, Trung tướng Nguyễn Bình có viết một cuốn nhật ký. Sau khi ông hy sinh, cuốn nhật ký này đã bị quân Pháp tịch thu. Hiện nay cuốn nhật ký chỉ còn lại một bản dịch ra tiếng Pháp, được lưu trữ tại “Trung tâm Lưu trữ hải ngoại” của Pháp.
Chốn rừng thiêng, nước độc, đối mặt với cái đói và bệnh tật
Cuộc hành trình của ông và đoàn đi từ Chiến khu Đ về hướng Tây Bắc, xuyên qua vùng Đông Bắc Campuchia để ra Bắc. Đây là cuộc hành quân trong chốn rừng thiêng, nước độc với những khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy, bệnh tật, thú dữ luôn rình rập.
Cuộc hành quân của ông và đoàn luôn phải đối mặt với cái đói, bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét. Nhật kỳ ngày 20 tháng 9: “Chúng tôi có bốn xe bò những cũng không đủ để chở tất cả các người ốm”…. “Sau hai tháng đi đường, 80 phần trăm quân số đều lên cơn sốt rét”.... “Sáng hôm sau vào khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi lại ra đi mà không có gì ăn sáng. Số gạo còn lại chỉ đủ cho một bữa mà thôi. Đoàn đi vào sóc của dân địa phương để tìm gạo nhưng vô ích vì chính họ cũng không có cái ăn và cũng rất đói”…. Ngày 24 tháng 9: “Cả đoàn không còn gì ăn nữa, tôi quyết định cho vào trong sóc mua một con bê con. Nhưng thổ dân ở đây từ chối không bán bê mà chỉ đồng ý bán một con bò cái, chúng tôi cũng đành mua. Chúng tôi không có một giọt nước mắm, một giọt mỡ nên đành nướng lên rồi chấm muối ăn”.
Cuộc hành trình trong điều kiện gấp gáp, đến những trạm giao liên chỉ được nghỉ rất ít để rồi lại phải lên đường kịp ra Bắc trước mùa mưa.
Kẻ thù luôn rình rập
Trên đường hành quân, Trung tướng Nguyễn Bình và đoàn luôn phải đối phó với biệt kích, thám báo của địch đi lùng sục, nguy cơ bị lộ, bị tiêu diệt rất lớn. Nhật ký ngày 20 tháng 9, Trung tướng Nguyễn Bình đã viết: “Đi đến phum Srechi, tôi chưa kịp cởi quần áo thì đã được tin ở bên kia con sông nhỏ có địch càn quét. Vì lực lượng của chúng tôi gần như không đáng kể, nên đêm đó chúng tôi đành phải rút vào rừng ngủ qua đêm”.
Mặc dù nguy hiểm, cái chết luôn cận kề, nhưng vì sức khỏe của đoàn, ông đã cho đoàn dừng lại, củng cố lấy lại sức: “Ngày 22 tháng 9: Tôi thấy đi như thế này là rất phiêu lưu mạo hiểm, nếu gặp địch tấn công mà cả đoàn đau yếu như thế này thì làm sao chống cự được, sẽ bị chúng bắt hết thôi. Tôi cho đoàn dừng lại”.
“Ngày 23 tháng 9, tôi quyết định phái tổ trinh sát cùng một số anh em đi thăm thử các trạm ở phía Bắc, tiếp xúc với các liên lạc viên và đề nghị với lực lượng quân đội ở Stung Treng đi đón chúng tôi ở Nackor. Cả toán lại vượt sông Srêpok, đi vòng tránh phum Samphat vì sợ gặp địch từ đường 19 xuống”.
Vì nhiệm vụ, quên cả tính mạng bản thân mình
Sau gần 2 tháng hành quân trong rừng, lúc này Trung tướng Nguyễn Bình bị bệnh rất nặng như ho, sốt, nhức đầu, thấp khớp, có lúc ông phải nằm trên xe bò để đi cùng Đoàn. Vì sức khỏe, đồng chí y sĩ trong đoàn đã khuyên Trung tướng Nguyễn Bình nên dừng lại vài tháng để nghỉ ngơi chữa bệnh, nhưng vì mệnh lệnh, vì lời thề đã hứa, vì thời cơ của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ đã không cho phép ông được nghỉ ngơi chăm sóc bản thân và nghĩ đến sức khỏe của mình. Nhật ký ngày 30 tháng 7: “Tôi tự nhủ, phải nằm đây chữa bệnh trong hai tháng, rồi phải chờ ba tháng nữa cho hết mùa mưa, thế là mất đi năm tháng. Sau đó phải đi sáu tháng nữa mới ra tới Trung ương. Trời! Như thế là mất cả một năm. Một năm không hoạt động trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt. Tôi nghĩ đến nhiệm vụ của tôi, đến công tác sắp tới của tôi. Không! Không thể được! Tôi kiên quyết ra đi, mặc dù tôi đang ốm nặng. Một số bạn hữu hiểu tôi và thấy tình trạng sức khỏe của tôi khi tiễn tôi lên đường đã không cầm được nước mắt...”.
Tấm gương bình dị, lòng bao dung của một vị Tướng trên chiến trường
Nhật ký ngày 20 tháng 9, ông viết: “Trong khi đó những người yếu như anh Tư và tôi lại có vẻ khỏe nhất trong đoàn. Tổ của tôi có ba người là các anh Phan, Thịnh và Sơn đều bệnh cả.... Chỉ có tôi là còn khỏe nên tôi phải đảm đương việc bếp núc, nấu cơm, nấu cháo cho anh em...”
Mặt khác, trong ông còn toát lên lòng vị tha, tình thương bao la của của một vị chỉ huy đối với bộ đội, người cha chú đối với con cháu trong gia đình khi thấy anh em bị bệnh mà không đủ gạo nấu cháo, không có đường sữa để bồi dưỡng. Nhật ký ngày 20 tháng 9: “Từ một tháng nay, mỗi ngày tôi chỉ ăn có một chút xíu để cầm hơi và tiếp tục hành quân. Tôi đã phải ăn măng thay cho cơm”. Ngày 29 tháng 9: “Hôm nay tôi và một số anh em khác sẽ nhịn ăn để nhường gạo cho những người ốm...”.
Cuốn nhật ký ghi đến ngày 29 tháng 9 năm 1951 là kết thúc. Vào buổi trưa hôm đó Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh do bị địch phát hiện và giết hại.