Tình em
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng
Anh đi xa bao núi…
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng
Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy
Anh đi xa xa mãi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng sóng lộng
Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm đông
Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng
Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Chắp cánh chim em ơi
Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…
Ngọc Sơn
|
Nếu kể tên những gương mặt tác giả tiêu biểu nhất của thơ ca cách mạng thời kì kháng chiến chống Mỹ, có thể người ta sẽ không nhắc đến cái tên tác giả Hồ Ngọc Sơn. Nhưng nếu kể tên các tác phẩm thơ hay nhất trong nền thơ ca Việt Nam giai đoạn này người ta lại không thể không nhắc đến bài thơ “Tình em” do đại tá Hồ Ngọc Sơn sáng tác. Hồ Ngọc Sơn sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi. Năm 1954 anh tập kết ra Bắc. Năm 1961, đang là Đại đội trưởng pháo binh thuộc Tiểu đoàn 300, Trung đoàn 14, Sư đoàn 324, anh được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Bài thơ viết năm 1962 tại Gia Lai, khi nhận được thư người vợ từ xứ Nghệ gửi vào. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nhung da diết người vợ vừa mới cưới, sống với nhau được 5 ngày thì đã phải chia tay trở về Nam.
Nhan đề bài thơ là “Tình em”, giọng thơ thiết tha nhưng đằm thắm và không đắm đuối; trong trẻo mà không quá lên gân ...Dù vậy, anh cũng ngại, chỉ đọc cho vài người bạn. Không biết ai gửi cho báo Sức trẻ, bài được chọn đăng, nhưng người ta sửa cái tên “ủy mị” ấy thành “Gửi em dưới quê làng” nghe chất phác công nông hơn... Bài thơ được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc vào khoảng cuối năm 1962, tình cờ Huy Du đặt tên bản nhạc là “Tình em”, đúng như cái tên ban đầu của bài thơ. Và bản nhạc nhanh chóng trở thành một trong những bản tình ca nổi tiếng thời đánh Mỹ. Cả khi chưa mang “Tình em” vào trong nhạc thì nó cũng là một trong những bài thơ tình hay nhất, nó là huyền thoại tình yêu của anh Hồ Ngọc Sơn và chị Trần Thị Mỹ Hiên nhưng nó cũng là huyền thoại tình yêu của bao đôi lứa yêu nhau thời đó. Và thật hay khi tác giả thơ đã viết: “Anh đi xa bao núi/ Tình em như khe suối/ Lưu luyến và nhớ thương/ Chảy theo anh khắp rừng…”. Bước chân trường chinh vạn dặm của anh gặp nhiều hiểm nguy gian khổ, nhưng có tình yêu của em mãnh liệt mà kín đáo, khiêm nhường, e ấp như khe suối luồn lách qua bao chân núi, dõi theo từng bước hành quân chinh chiến của anh. Rồi kế tiếp, em sẽ “theo anh cùng nương rẫy” và dẫu anh có “đi biệt tháng ngày”, tình em vẫn “như sông dài”.
“Tình em” là một bản tình ca hoàn chỉnh giữa lời ca và âm nhạc. Tình cảm lứa đôi diễn tả trong bài thơ mềm mại, tha thiết, đắm say. Anh đi ra trận. Các anh, chị xa nhau nhưng tình yêu và niềm tin không bao giờ mất, như chiếc lá kia khi xa cành, lá không còn màu xanh, còn tình yêu của các anh, chị như mùa xuân đang về sự sống tràn dâng lên trong từng chiếc lá mới, xanh rời rợi đầu cành. Bài thơ “Tình em” đã trở thành nguồn động viên và tưới mát tâm hồn các anh, chị trong những ngày chiến tranh khốc liệt giúp các anh, chị vượt qua được bao nỗi gian lao, vững vàng trong mọi thử thách, chiến thắng mọi yếu mềm và cả những khắc nghiệt của chiến tranh để giữ trọn tình yêu đôi lứa.
Cảm ơn tác giả bài thơ: “ Tình em” và cảm ơn tác giả bài hát “Tình em” - cả hai người đã để lại cho chúng ta một bài thơ và một ca khúc hay. Mỗi khi đọc bài thơ và hát lên ca khúc “Tình em” chúng ta càng trân trọng tình yêu biết nhường nào. Dù trong hoàn cảnh nào khi ta biết trân trọng tình yêu thì sự sống luôn dâng trào và “mạch đời” luôn “căng máu nóng”.
Anh Đức