Chiến tranh biên giới Tây Nam bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Ngày 6-3-1979, Trung tướng Lê Trọng Tấn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định 224 thành lập Sư đoàn 317 đứng chân tại căn cứ huấn luyện Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) gồm có các Trung đoàn BB747, 775, 115, Trung đoàn PB774; một bộ phận của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu. Trong quá trình xây dựng chiến đấu, còn nhiều đơn vị khác về trong đội hình của Sư đoàn như: Trung đoàn 770, Trung đoàn 6, Trung đoàn 320 và Trung đoàn Gia Định.
Sau khi thành lập, ngày 17/3/1979, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu điều sang Campuchia, đóng quân tại Kampong Thom cùng với bạn truy quét địch và giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng cuộc sống mới. Sư đoàn đã chiến đấu 247 trận, diệt, bắt sống và làm bị thương 1213 tên địch, gọi ra hàng 1.409 tên, thu 850 súng các loại, triệt phá 25 căn cứ, 254 nhà ở của địch. Điển hình là trận đánh Tây Cà Tia ngày 26/4/1979, một trong những trận đánh tiêu biểu của Sư đoàn 317 được đưa vào Sách 400 trận đánh tiêu biểu của LLVT Quân khu 7 (giai đoạn 1945 - 1989). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, ngày 20-7-1982, sư đoàn hành quân về nước; từng bước kiện toàn tổ chức và sắp xếp cán bộ theo biên chế khung thường trực, đủ khả năng thực hành động viên, chiến đấu thắng lợi.
Viết tiếp chiến công, tô hồng truyền thống
Đại tá Nguyễn Ngọc Ánh, Sư đoàn trưởng cho biết: Bước vào thời kỳ mới “Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; sư đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đổi mới phương pháp tác phong công tác thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Hàng năm, Sư đoàn tổ chức các đợt diễn tập chỉ huy - cơ quan cấp trung đoàn, sư đoàn kết hợp diễn tập chiến thuật có bắn đạn hơi, thuốc nổ và bắn đạn thật cho quân nhân dự bị đạt khá, đơn vị an toàn tuyệt đối. Từ năm 2015 đến 2022, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới và huấn luyện chiến sĩ đóng quân canh phòng; đến nay, đơn vị đã huấn luyện gần 4.000 chiến sĩ mới cho các tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tham mưu và đơn vị binh chủng trực thuộc Quân khu; huấn luyện được gần 2.000 chiến sĩ đóng quân canh phòng. Kết quả huấn luyện các năm đều đạt giỏi; bàn giao quân đúng số lượng và có chất lượng tốt.
Tính đến nay, quân nhân dự bị sắp xếp vào các đầu mối của Sư đoàn đạt 100% so với biên chế; tỉ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt gần 90%; tỉ lệ đảng viên toàn đơn vị hơn 10%, trong đó riêng sĩ quan dự bị đạt gần 60%. Ngoài ra, sư đoàn luôn chủ động phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, tiến hành phúc tra nắm chắc nguồn động viên; làm cơ sở sắp xếp biên chế, tổ chức quản lý, huấn luyện.
Bên cạnh đó, sư đoàn thường xuyên làm tốt công tác chính sách cho mọi quân nhân, nhất là quân nhân dự bị và gia đình; tạo điều kiện để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, việc xây dựng “Nhà tình nghĩa”; “Nhà đồng đội” là việc làm ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống và an tâm công tác. Từ năm 2020 đến nay, sư đoàn đã phối hợp với các doanh nghiệp Quân đội và tấm lòng đóng góp của cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, xây tặng 11 căn “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa quân - dân” cho các đối tượng, với kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được trong năm qua là tiền đề quan trọng để sư đoàn tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này trong thời gian tới, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Đồng thời nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt mô hình “tự quản” trong quản lý quân nhân dự bị; phối hợp với cơ quan quân sự địa phương để tiến hành phúc tra nắm chắc số lượng, chất lượng quân nhân dự bị; xây dựng hình ảnh đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, tô thắm thêm truyền thống sư đoàn hơn 44 năm qua: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, sẵn sàng động viên, chiến đấu thắng lợi”.