Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM 11 tháng đầu năm 2024, dự báo thị trường bất động sản năm 2025 và đề xuất mốt số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
86 dự án tồn kho lên đến 964,38 ha
Về đầu tư phát triển nhà ở thương mại, theo HoREA, giai đoạn 2015-2023 TP.HCM có 138 dự án được chấp thuận đầu tư, nhưng trên thực tế chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện có quy mô 342,58 ha với 41.637 căn nhà gồm 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng.
Trong khi đó, Thành phố lại có đến 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (tồn kho) bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất lên đến 210,30 ha với 21.676 căn nhà; 56 dự án chưa thi công có quy mô sử dụng đất là 754,08 ha với 32.375 căn nhà.
TP.HCM có đến 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công.
Trong số 56 dự án chưa thi công, có dự án vẫn còn đang giải phóng mặt bằng là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân có quy mô diện tích đất rất lớn lên đến 329,96 ha.
Theo HoREA, 86 dự án tồn kho do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do vướng mắc pháp lý mà hiện nay với hệ thống các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên, với tổng quy mô sử dụng đất của 86 dự án tồn kho lên đến 964,38 ha dẫn đến tình trạng cực kỳ lãng phí nguồn lực đất đai.
“Tổng số nhà ở của 86 dự án lên đến 54.051 căn gồm 46.986 căn hộ và 7.065 nhà thấp tầng làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở và tình trạng mất cân đối sản phẩm nhà ở dẫn đến tình trạng lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Sự thiếu hụt này là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá nhà tăng liên tục trong nhiều năm qua, vượt quá sức mua của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.
Về phía doanh nghiệp, với tổng số 86 dự án tồn kho dẫn đến hệ quả có đến 86 chủ đầu tư rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bị mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn. Do vậy, Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương vào cuộc tháo gỡ khó khăn để tái khởi động lại các dự án này.
Xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại là chắc chăn
Theo ông Lê Hoàng Châu, trong giai đoạn 2020 -2024, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM đã cho thấy năm 2023 là năm khó khăn nhất và quý 1/2023 là vùng đáy của thị trường bất động sản do bị sụt giảm sâu nhất âm đến âm 16,2%.
Hiệp hội nhận thấy, kể từ quý 2/2023 đến nay thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi trở lại, liên tục nhưng với tốc độ chậm theo xu thế khó khăn giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
11 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội ước thị trường bất động sản có thể tăng trưởng dương trên dưới 9%, thể hiện qua tổng doanh thu dịch vụ khác ước đạt 418.110 tỷ đồng do doanh thu kinh doanh bất động sản 9 tháng chiếm 60,3% tổng doanh thu dịch vụ khác.
Qua số liệu thống kê của Cục Thống kê và Sở Xây dựng TP.HCM, ông Châu nhận định xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản TP.HCMvà cả nước kể từ quý 2/2023 cho đến nay là chắc chắn và không thể đảo ngược.
Tuy nhiên thị trường bất động sản thành phố và cả nước sẽ vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2025.
Một trong những lý do là từ khoảng tháng 8 đến cuối năm 2025 là thời điểm tập trung đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau 02 năm được gia hạn, tổng giá trị trái phiếu đến hạn lên đến khoảng 180.000 tỷ đồng, cao nhất trong 03 năm 2023-2025.
Ngoài ra, sẽ có độ trễ để các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sớm đi vào cuộc sống và để khắc phục các bất cập, trì trệ trong công tác thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Bên cạnh đó sẽ có độ trễ do quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian, nhất là giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến lúc được cấp Giấy phép xây dựng.
Diệu Trang