Phối cảnh cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Nhà đầu tư cũng cam kết huy động tối ưu nguồn lực để triển khai 2 dự án đảm bảo chất lượng và trình hồ sơ ngay khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, nhằm rút ngắn tiến độ và góp phần vào sự phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế của TP.
Trung Nam Group cho biết doanh nghiệp có lợi thế khi trước đây Liên danh Trung Nam Group – Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ đã nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và đã bàn giao hồ sơ nghiên cứu để Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng thẩm định TP.HCM ngày 1/12/2023.
“Dựa trên những kinh nghiệm đã có, chúng tôi đặc biệt quan tâm và mong muốn được góp phần vào việc triển khai hai dự án trọng điểm này”, doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Trungnam Group được thành lập từ năm 2004, công ty hoạt động với hệ sinh thái đa ngành nghề gồm 05 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất bộng sản, công nghiệp thông tin điện tử.
Cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ là các dự án có quy mô lớn, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Trong đó Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối hai khu đô thị mới Thủ Thiêm và Nam TP với mức vốn khoảng 6.030 tỷ. Trong đó TP.HCM sẽ chi khoảng 2.826 tỷ đồng tham gia đầu tư, phần còn lại nhà đầu tư huy động.
Cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Cây cầu có thiết kế hình tượng cây đước sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, TP.HCM dự kiến chi hơn 5.200 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án và phần còn lại là vốn BOT của nhà đầu tư.
Trước đó, Vingroup đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp này được chi kinh phí nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án đầu tư tuyến metro kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, kết hợp với việc xây dựng cầu Cần Giờ (kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ).
Phương Vy