Trong hải trình các đoàn công tác hàng năm ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, khi ra đến thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều dừng lại tổ chức lễ tưởng niệm, gửi vòng hoa đến các chiến sĩ nhà giàn đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.
30 năm trôi qua, bao công sức và sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân đã làm sáng lên bản anh hùng ca giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió
Khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông bờ biển Nam bộ, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Phía Đông giáp quần đảo Trường Sa, phía Nam giáp vùng biển của Malaysia, Indonesia, phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam. Đây là khu vực có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn mà Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của khu vực biển DK1 và tình hình phức tạp trên biển Đông, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại khu đá ngầm, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nội dung chỉ thị nêu rõ: Xây dựng tại khu đá ngầm, trong thềm lục địa Việt Nam, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo một số nhà nổi (gọi tắt là DK1), để bước đầu hình thành cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ thuộc sự quản lý về hành chính của đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nhằm các mục đích như: đặt dàn đèn biển, đặt trạm khí tượng thủy văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển như nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nghiên cứu, khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực…
Thực hiện chủ trương trên, ngày 26-10-1988, Lữ đoàn 171 được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân trực tiếp giao nhiệm vụ cùng với Hải đoàn 129 bảo vệ thềm lục địa phía Nam để xây dựng tại đây một cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế biển, xây dựng đất nước. Từ năm 1989 đến 1998, ta đã xây dựng được 20 nhà giàn DK1, trên các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và bãi cạn Cà Mau.
Các thành viên đoàn công tác TPHCM giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 trong chuyến thăm vùng biển đảo Tây Nam. Ảnh: Hoài Nam
Những năm đầu mới thành lập, với sự khắc nghiệt của thời tiết, cán bộ, chiến sĩ DK1 gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác. Với bốn bề chỉ có sóng nước và gió biển, cán bộ, chiến sĩ DK1 thiếu từ rau xanh, nước ngọt, điện sinh hoạt đến thông tin với hậu phương, gia đình. Phương tiện duy nhất cung cấp thông tin cho họ là những chiếc đài bán dẫn.
Nhưng với quyết tâm bám nhà giàn, bám biển, bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ DK1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn và cả những mất mát, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân
…Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó… Đó là lời ca khúc “Mùa xuân DK” của nhạc sĩ Thập Nhất. Có lẽ, người lính nhà giàn nào và bất cứ ai một lần đặt chân đến nhà giàn DK1 đều thuộc nằm lòng ca khúc nói về cuộc sống của những người lính bám trụ trên những nhà giàn chông chênh giữa đại dương này. Cuộc sống gian khổ, khó khăn là thế nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời.
30 năm nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi nhà giàn DK1 như một cột mốc chủ quyền, đôi mắt thần trên biển, ngày đêm quan sát, theo dõi, nắm chắc mọi tình hình. Mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 theo dõi, đăng ký, báo cáo hàng ngàn lượt mục tiêu trong khu vực; kịp thời tham mưu, đề xuất với sở chỉ huy để xử lý tốt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Đối với bà con ngư dân, cán bộ, chiến sĩ DK1 như những người thân trong gia đình. Họ đã trở thành điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ngư dân đều tìm đến các nhà giàn DK1 để được giúp đỡ. Các nhà giàn DK1 đã cung cấp, cứu nạn, hỗ trợ hàng trăm lượt tàu thuyền và ngư dân; cung cấp hàng ngàn m3 nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác. Đồng thời, thường xuyên theo dõi nắm bắt diễn biến, thông tin kịp thời và tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trong mùa giông bão.
Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 còn hiệp đồng chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam bảo đảm hoạt động thường xuyên của những ngọn đèn biển, để dẫn đường bảo đảm an toàn hàng hải cho hàng vạn lượt tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại khu vực; phối hợp với các cán bộ khí tượng tiến hành quan sát, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn và sự biến đổi của các dòng hải lưu, làm cơ sở cho việc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, phục vụ trực tiếp cho các lực lượng làm nhiệm vụ và hoạt động khai thác, sản xuất, phát triển kinh tế biển.
Hoài Nam