Bước vào nhà máy, Phó ban Cơ điện Công ty TNHH một thành viên Cao su Thống Nhất (huyện Củ Chi) trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn Nguyễn Vũ Ðạt gần như không lúc nào ngơi tay. Với gần 500 máy móc, thiết bị, hằng ngày, anh Ðạt cùng 22 nhân viên túc trực thường xuyên để vận hành, sửa chữa, bảo trì.
Công nhân sản xuất phụ tùng ô- ô tại Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thống Nhất, huyện Củ Chi
Trong quá trình làm việc, một trong những sáng kiến của anh Ðạt cùng anh em công nhân được Ban Giám đốc Nhà máy tâm đắc là cải tiến bốn máy ép cao su thủ công thành máy tự động giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Cũng từ sáng kiến này, kỹ sư Nguyễn Vũ Ðạt được trao giải thưởng Tôn Ðức Thắng năm 2017, một giải thưởng ý nghĩa của thành phố nhằm tôn vinh các kỹ sư, người quản lý và công nhân tiêu biểu có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Kỹ sư Nguyễn Vũ Ðạt cho biết: "Nếu nhập máy mới từ nước ngoài phải tốn hơn 500 triệu đồng, trong khi máy do chúng tôi sáng chế, chi phí chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng". Với những nỗ lực không ngừng trong chuyên môn nghiệp vụ, tích cực trau dồi kỹ năng làm việc cho bản thân và đào tạo nhân viên, kỹ sư Nguyễn Vũ Ðạt đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng, là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.
Theo Tổng Giám đốc Lê Hữu Hạnh, Công ty TNHH một thành viên Cao su Thống Nhất luôn tạo điều kiện cho người lao động, đội ngũ quản lý học tập nâng cao tay nghề, trang bị máy móc mới, giúp họ có thêm cơ hội học hỏi, sáng tạo để nhanh chóng theo kịp với nền công nghiệp hiện đại.
Công nhân cơ điện của Xí nghiệp Bao bì Liksin (Tổng công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin) Nguyễn Thành Long liên tục đưa ra hàng chục sáng kiến liên quan đến sửa chữa các loại máy phục vụ sản xuất ngành in từ năm 2015 đến nay. Gần đây nhất, sáng kiến "Chế tạo bộ điều khiển máy quấn biên đồng bộ với máy tiết kiệm năng lượng" của anh Long được Ban Giám đốc chấp thuận và được công nhận giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc. Với sáng kiến này, Long đã giúp xí nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 100 triệu đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng, công suất tiêu thụ giảm, tăng tuổi thọ cho mô-tơ. Anh Long chia sẻ: "Bất kể là thợ đứng máy hay công nhân kỹ thuật, nếu chịu khó học hỏi và tìm tòi công nghệ mới thì năng suất lao động sẽ được cải thiện và mang lại hiệu quả rõ rệt".
Trên địa bàn thành phố hiện nay còn rất nhiều tấm gương công nhân, người lao động bằng sự đam mê cống hiến, phát huy tinh thần sáng tạo, năng động, đã góp phần xây dựng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp (DN) ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Theo Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có hơn 1,5 triệu CNVC-LÐ, trong đó, khu vực ngoài nhà nước hơn 1,2 triệu người, chiếm tỷ lệ 81,21%. Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức chính trị của đội ngũ CNVC-LÐ không ngừng được nâng cao. Một bộ phận CNVC-LÐ ở một số ngành mũi nhọn, nhất là công nhân trẻ, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, đội ngũ công nhân có tay nghề cao, kỹ sư, chuyên gia, cán bộ quản lý DN có nhiều nỗ lực học tập, nghiên cứu, lao động, sáng tạo dần đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực thời kỳ phát triển và hội nhập. Ðây cũng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" của thành phố.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Trần Ðoàn Trung cho biết, trong sáu năm (từ 2012 đến 2017), qua phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" đã có gần 34 nghìn sáng kiến của CNVC-LÐ được áp dụng trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho DN với tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng. Hơn 24 nghìn lượt Công đoàn cơ sở đã đăng ký và tổ chức thực hiện 3.827 công trình hoàn thành đúng tiến độ. "Các hoạt động thi đua đã kích thích CNVC-LÐ lao động sáng tạo không chỉ góp phần tăng năng suất lao động mà còn giúp họ cải thiện thu nhập, đời sống, nâng cao trình độ nghề nghiệp, khẳng định vai trò tiên phong trong thời kỳ hội nhập của đội ngũ người lao động thành phố", ông Trần Ðoàn Trung khẳng định.
Tuy vậy, lực lượng công nhân có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; một bộ phận lực lượng lao động chưa được đào tạo cơ bản, có hệ thống vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn ảnh hưởng đến năng suất lao động. Ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp của một bộ phận CNVC-LÐ vẫn còn hạn chế, hiểu biết và thực thi pháp luật chưa cao, chưa có ý thức phấn đấu nâng cao trình độ học vấn; giác ngộ giai cấp và hiểu biết chính trị còn hạn chế. Thực tế này đòi hỏi ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi CNVC-LÐ, cả hệ thống chính trị, nhất là tổ chức công đoàn, phải sâu sát hơn nữa với thực tế, đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để giúp đội ngũ CNVC-LÐ không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, trau dồi chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận nhanh với khoa học và công nghệ tiên tiến.