Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt, anh Ca Lê Hiến, một người con của mảnh đất thành đồng Nam Bộ đã gửi toàn bộ hồ sơ lý lịch và các giấy tờ cần thiết của mình tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ lên đường trở lại miền Nam công tác. Hồ sơ của anh để lại gồm có các bản khai lý lịch, sơ yếu lý lịch, tóm tắt lý lịch cán bộ đi B, quyết định điều động đến Ủy ban thống nhất Chính phủ, phiếu chuyển đến, lý lịch đoàn viên, và một vài giấy tờ liên quan khác… Hồ sơ đã ghi dấu ấn quá trình học tập, công tác và về cuộc đời của anh Ca Lê Hiến – cũng chính là hồ sơ của nhà thơ có bút danh Lê Anh Xuân với bài thơ tạc vào thế kỷ “Dáng đứng Việt Nam”.
Kỷ vật của nhà thơ Lê Anh Xuân đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III
Bản thân Ca Lê Hiến, lúc còn nhỏ đi học, và theo cha trong các cơ quan công tác. Năm 1953 làm việc tại Ban giấy của nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ. Khi hòa bình lập lại, Ca Lê Hiến theo gia đình tập kết ra Bắc, học lớp 6, 7 tại trường miền Nam số 14, lớp 8 học trường miền Nam số 24, lớp 9 học trường miền Nam Nguyễn Trãi III, Hà Nội. Trong những năm 1959 đến năm 1962 học tại Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.Từ năm 1962 đến năm 1964 Ca Lê Hiến là cán bộ được giữ lại đảm nhận giảng dạy bộ môn Lịch sử Thế giới cổ đại tại khoa Sử của trường.
Là cán bộ giảng dạy, yêu thích học tập và nghiên cứu lịch sử, các môn học xã hội nhưng với tiếng gọi của cách mạng miền Nam, của Đảng thôi thúc, Ca Lê Hiến đã không ngừng phấn đấu, vượt qua thử thách và xác định tư tưởng vững vàng: “Tôi lớn lên trong hoàn cảnh gia đình đều tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng và bản thân tôi ngay từ nhỏ được sống và lớn lên trong kháng chiến, sớm được giáo dục về tư tưởng, về lập trường cách mạng, cho nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, tuyệt đối trung thành ở sự lãnh đạo của Đảng”. Ý chí, lập trường tư tưởng ấy được cụ thể hóa hơn khi anh đã xếp lại bút nghiên, tha thiết đề xuất: “Nguyện vọng và cũng là quyết tâm của tôi là được về Nam Bộ tham gia kháng chiến cùng bà con quê hương trong ấy…Ngoài chuyên môn tôi có khả năng tham gia công tác báo chí, hoặc sáng tác thơ...tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ nơi nào Đảng cần đến. Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền Nam, về lại quê hương tôi”. Nguyện vọng, khát khao ấy của anh cũng chính là của bao người con đất Việt giữa thế kỷ 20, thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu quê hương, khát vọng cháy bỏng, sẵn sàng đóng góp sức lực của mình xông pha vào các mặt trận đểgiành lại độc lập tự do của Tổ quốc.
Sau những nỗ lực, phấn đấu, anh đã được toại nguyện, theo Quyết định số 621 ngày 16/9/1964, Ca Lê Hiến được điều động và đến nhận công tác tại Ủy ban Thống nhất Trung ương và lên đường vào miền Nam thực hiện những ước mơ, nhiệm vụ hết sức cao cả.
Hồ sơ, kỷ vật của anh có thể góp phần giúp chúng ta hiểu thêm lý tưởng của người thanh niên khát khao hoạt động cách mạng, khát khao được đóng góp sức mình cho kháng chiến, giải phóng quê hương. Những dòng chữ, những quyết tâm, những ước nguyện của anh sẽ mãi là những kỷ vật vô giá, minh chứng về một thời vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Anh hy sinh ngày 21/5/1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ. Dù ra đi không hẹn ngày trở về, dù không may mắn để được xem lại, nhìn lại những kỷ vật của mình trước khi lên đường nhưng những trang hồ sơ, kỷ vật và hơn hết những dòng chữ in đậm màu cách mạng, màu của lòng yêu nước, yêu quê hương cháy bỏng, vẫn mãi là điểm sáng, là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam khi nhắc đến tên anh – Lê Anh Xuân.