Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chiến dịch đầu tiên, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta, góp phần chuyển hóa thế và lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Qua đó, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật lập thế trận chiến dịch.
Cán bộ ở Mặt trận Sông Lô nghiên cứu kế hoạch đánh địch tiến công lên Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Về tổ chức, sử dụng lực lượng: Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ đạo thực hiện "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", các trung đoàn bộ binh đều tổ chức từ 1 đến 2 tiểu đoàn phân tán thành các đại đội độc lập làm lực lượng nòng cốt cùng dân quân, du kích đánh rộng khắp. Đánh địch cả nơi chúng trú quân cũng như trên đường chúng cơ động; tích cực chiến đấu ngăn chặn, kìm giữ, tiêu hao, tiêu diệt quân nhảy dù ở Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn để bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến di chuyển an toàn. Từ ngày 8-10, các đại đội độc lập cùng du kích và nhân dân liên tiếp tập kích, quấy rối địch ở các vị trí: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Chợ Rã, diệt hai trung đội Pháp.
Tổ chức tiểu đoàn tập trung của các trung đoàn, được tăng cường các đơn vị hỏa lực của Bộ để tiêu diệt địch cơ động. Với cách lập thế trận, tổ chức sử dụng lực lượng phù hợp nên đã phát huy cách đánh sáng tạo, ta liên tục tiêu hao quân địch, đồng thời tiến hành nhiều trận đánh tập trung tiêu diệt gọn từng đơn vị địch. Trên Mặt trận Đường số 4, Tiểu đoàn 374 thuộc Trung đoàn 11 đánh trận phục kích trên đoạn Bản Sao - đèo Bông Lau (đêm 29 rạng ngày 30-10-1947) tiêu diệt 1 đoàn xe 28 chiếc, diệt và bắt hàng trăm quân địch… Trên Mặt trận Sông Lô - Đường số 2, tự vệ và Công an thị xã Tuyên Quang đánh 2 trận phục kích bằng địa lôi (22-10 và 19-11) ở ki-lô-mét số 7 và số 6 đường Tuyên Quang - Hà Giang, diệt hàng trăm tên địch. Lực lượng pháo binh Khu 10, có sự phối hợp của Trung đoàn 112 và dân quân du kích địa phương đánh một số trận phục kích tàu địch trên Sông Lô (24-10). Lực lượng pháo binh tham gia không lớn (cấp trung đội), với những khẩu sơn pháo lạc hậu, nhưng ta đã tổ chức sử dụng, bố trí trận địa thích hợp, bí mật, bất ngờ, sát gần bờ sông trong tầm bắn hiệu quả, kết hợp với nghi binh (làm trận địa giả, tạo khói thu hút máy bay, dùng bưởi sơn đen giả làm thủy lôi trên sông lừa địch vào hướng đã định...); vận dụng cách bắn ngắm trực tiếp của pháo binh đã phát huy hiệu quả hỏa lực. Nhất là trận diệt tàu địch tại Khe Lau (ngã ba Sông Gâm - Sông Lô) lúc 10 giờ ngày 10-11, Trung đội pháo binh 225 với 1 khẩu sơn pháo 75mm, bố trí trận địa bí mật, bất ngờ ở cự ly 150m, bắn chìm 2 tàu và bắn bị thương 1 tàu chở quân, diệt hàng trăm tên địch, góp phần bẻ gãy gọng kìm phía Tây trong cuộc tiến công chiến lược của Pháp vào Việt Bắc.
Do chủ động lập thế trận vững chắc, tổ chức sử dụng, bố trí lực lượng phù hợp đã phát huy được cách đánh, sở trường của các lực lượng. Địch cơ động đến đâu, địa bàn nào cũng bị ta chặn đánh, tiêu hao, tiêu diệt. Ta phát huy sự kết hợp đánh tập trung của lực lượng chủ lực với đánh du kích rộng khắp; thực hiện “vườn không, nhà trống” triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch. Kìm giữ, tiêu hao, tiêu diệt quân nhảy dù; ngăn chặn, bẻ gãy hai gọng kìm tiến công của hai binh đoàn phía Đông và phía Tây, địch ngày càng bị thất bại, sa lầy; ta càng đánh càng mạnh và giành thắng lợi.
Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật Quân sự, Học viện Quốc phòng