Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi Thiếu tướng Phạm Văn Kha (năm 2022)
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), miền Bắc được giải phóng, đồng chí tập kết ra miền Bắc, tiếp tục học văn hóa và quân sự. Từ năm 1957 đến năm 1959, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân giải phóng nhân dân tại Nam Kinh (Trung Quốc). Kết thúc khóa học về nước, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tác chiến Lữ đoàn 305 và Lữ đoàn 338 (1960-1961). Tháng 12-1961, đồng chí quay trở lại chiến trường miền Nam, nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng Đoàn 120. Từ năm 1962 đến năm 1965, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tham mưu phó Quân khu 6. Từ năm 1965 đến năm 1966, đồng chí là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bắc Sơn (Trung đoàn 346, Quân khu 6). Từ năm 1966 đến năm 1967, đồng chí về nhận lại nhiệm vụ Tham mưu phó Quân khu 6.
Năm 1967, đồng chí được bổ nhiệm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận. Thực hiện nhiệm vụ mùa khô năm 1967-1968, tạo thế để tiến tới Tổng tiến công, đồng chí Phạm Văn Kha cùng Ban lãnh đạo, chỉ huy Tỉnh đội Bình Thuận chủ trương đưa cán bộ, các đội công tác và bộ đội địa phương huyện, thị xuống bám sát địa bàn hoạt động, sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng hậu cần xây dựng cơ sở vật chất ở vùng sâu, vùng ven (kể cả trong nội ô thị xã); một số chiến sĩ bộ binh, du kích chiến đấu tốt được huấn luyện cấp tốc cách đánh đặc công, biệt động tăng cường cho thị xã. Tỉnh đội trưởng Phạm Văn Kha chỉ đạo các địa phương khẩn trương sắp xếp lại lực lượng, bổ sung quân số, trang bị, tổ chức học tập tình hình, động viên quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi, đập tan kế hoạch mùa khô của địch. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, tại tỉnh Bình Thuận (từ 31-1 đến 15-3-1968, đỉnh cao là cuộc tiến công vào thị xã Phan Thiết), đồng chí Phạm Văn Kha cùng Ban Chỉ huy tiền phương chỉ huy các lực lượng vũ trang Bình Thuận và Quân khu 6 tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; làm cho cơ quan đầu não của địch có lúc bị tê liệt, rối loạn, hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, thế và lực suy sụp nghiêm trọng.
Những năm từ 1969 đến 1976, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tham mưu trưởng; Tư lệnh phó - Tham mưu trưởng Quân khu 6. Nhận nhiệm vụ vào thời điểm chiến trường Quân khu 6 đầy gian khổ, đồng chí Phạm Văn Kha luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù đó là cung đường hành quân nguy hiểm, hay trắng đêm đi chuẩn bị chiến trường, hoặc tranh thủ tăng gia tự túc... đồng chí đều cố gắng thực hiện cho đến khi chắc chắn mới thôi. Bởi vậy, cả Quân khu 6 ai cũng biết đến “Quyết tâm của Thủ trưởng Ba Lê”. Có lần, địch càn lên căn cứ hòng tiêu diệt lực lượng, cắt đứt liên lạc giữa cách mạng với nhân dân. Để phá vỡ âm mưu của địch, đồng chí Phạm Văn Kha cùng Bộ Tư lệnh Quân khu bàn bạc phương án tác chiến và hạ quyết tâm trước khi rời vị trí tập kết.Ban đêm ta đưa các tổ công tác bí mật luồn sâu, “đột ấp” để nắm tình hình địch và làm công tác dân vận, đích thân đồng chí Phạm Văn Kha dẫn một tổ tiến về hướng địch. Khi trời vừa tảng sáng, các tổ công tác cũng trở về điểm hẹn, an toàn cả về người và trang bị vũ khí. Riêng Tư lệnh phó Phạm Văn Kha còn khoác thêm trên vai một bao gạo vừa được dân trong ấp cho bộ đội. Hình ảnh đó, khiến các cán bộ, chiến sĩ đều kính phục.
Thiếu tướng Du Trường Giang và lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng tặng quà mừng thọ 100 tuổi Thiếu tướng Phạm Văn Kha (năm 2023).
Năm 1989, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Phạm Văn Kha vẫn tiếp tục tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam các khóa I, II, III và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh khóa II, khóa III. Mặc dù tuổi cao, nhưng tâm nguyện lớn nhất của Thiếu tướng là đưa được nhiều hài cốt đồng đội trở về. Đồng chí cùng Ban Tìm kiếm mộ liệt sĩ của tỉnh trở lại những chiến trường xưa, tìm những đồng đội đã mất.
Hơn 40 năm trong quân ngũ, rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành từ người chiến sĩ, Thiếu tướng Phạm Văn Kha luôn giữ vững phẩm chất của một người Cộng sản chân chính, một nhà lão thành cách mạng đầy nhiệt huyết. Trong thời chiến cũng như thời bình, với lòng quyết tâm và tính kỷ luật của Bộ đội Cụ Hồ, mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho, đồng chí luôn hoàn thành tốt, được đồng đội và cấp dưới tin tưởng, kính trọng. Không chỉ là người chỉ huy tài đức, đồng chí Phạm Văn Kha còn sống rất chan hòa, tình cảm và luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, được đồng chí, đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Ba...