Đi theo tiếng gọi Tổ quốc, tuổi 18, chàng trai vùng chiêm trũng Lý Nhân (Hà Nam) Nguyễn Văn Thịnh vác ba lô xung phong tham gia bảo vệ phòng tuyến biên giới phía Bắc. Hành lý mang trọn lòng quyết tâm đánh đuổi giặc thù, bảo vệ chủ quyền, giữ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Sau phục viên, năm 1993, mang theo nhiều dự định, ông Thịnh đưa gia đình vào vùng đất mới Cát Tiên định cư, lập nghiệp.
Như bao CCB khác, trở về lập nghiệp làm kinh tế ở một vùng đất mới, ông Thịnh không tránh khỏi những ngày tháng khó khăn, chật vật với “cơm áo, gạo tiền”. Nhưng với bản lĩnh bộ đội cụ Hồ, không quản ngại gian khổ, vợ chồng ông ra sức làm việc, “hầu như việc nào cũng làm tới, từ nghề đốn củi, trồng nấm mèo, nuôi chim cút... việc nào cho thu nhập tốt, gia đình sẽ chuyển đổi và phát triển sản xuất” - ông Thịnh nhớ lại. Đến năm 1995, nhận thấy nhu cầu xay xát lúa gạo của bà con chung quanh, ông không ngần ngại vay mượn 2 cây vàng để mua máy xát gạo - số tiền không hề nhỏ lúc bấy giờ - thế nhưng, ông Thịnh chỉ cười nói “dám nghĩ thì dám làm”. Biết nắm bắt thời cơ, chỉ 5 năm sau, ông mở rộng kinh doanh, đầu tư thêm máy móc để xây dựng nhà máy xay xát, phục vụ cho bà con nông dân.
Nhờ không ngừng học hỏi, đổi mới kinh doanh, cùng với tính cần cù, chịu khó, từ ngày chỉ có vỏn vẹn một chiếc máy xay xát gạo, vài con bò, con heo, nay, gia đình ông đã có cơ ngơi bạc tỷ với 8 chiếc máy sấy lúa, 3 dàn máy xay xát lúa gạo hiện đại có công suất hơn 4.000 tấn/năm. Không dừng lại ở đó, ông còn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Cát 1 - kinh doanh trồng trọt kết hợp chăn nuôi - với một trang trại rộng lớn có hơn 2.000 con heo thịt, 200 heo nái và hơn 100 con bò thịt; xen kẽ là những mảnh vườn rộng, xanh trĩu quả cây ăn trái, trồng dâu nuôi tằm và hơn 2.000 cây mai cảnh. Cùng với đó, ông Thịnh còn tận dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất phân vi sinh và cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân; trở thành đại lý cấp 1 phân phối cám 5 sao Thái Lan, với sản lượng hơn 2.300 tấn mỗi năm. Từ các lĩnh vực này, mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng hơn 3 tỷ đồng; giúp giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng mỗi tháng và khoảng 40 lao động theo thời vụ.
Ngấp nghé tuổi 60, nhìn lại cơ ngơi của mình, cũng chính là “vườn quả ngọt” mà suốt gần 30 năm ông và vợ đã tâm huyết vun đắp, nuôi dưỡng từ chính những giọt mồ hôi lẫn nước mắt, ông Thịnh chỉ cười và nói với giọng hào sảng đậm chất lính “mọi thời điểm đều có những khó khăn nhất định, thế nhưng, một khi đã có lòng quyết tâm và nghị lực lớn thì không điều gì có thể cản trở”.
Là đảng viên, ông Thịnh luôn noi theo lời dạy của Bác, trách nhiệm, gương mẫu, rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức, nghèo khó không thay đổi, giàu có không xa xỉ và không tự đại, tự mãn. Vì lẽ đó, mà suốt nhiều năm nay, ngoài hăng hái lao động sản xuất, tích cực, gương mẫu tham gia các phong trào, hoạt động tại địa bàn dân cư, ông còn nhiệt tình giúp đỡ đồng đội và nhiều hoàn cảnh vượt qua khó khăn.
Tuy công việc sản xuất, kinh doanh bận rộn, ông Thịnh vẫn dành thời gian và công sức để đảm nhận nhiều vai trò từ Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Cát 1, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện đến tham gia Ban Chủ nhiệm CLB doanh nhân CCB, CCB làm kinh tế tỉnh, Ban Chấp hành (BCH) Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng, BCH Hội Chữ thập đỏ Cát Tiên, BCH Hội Nông dân huyện và BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện. Mặc dù đảm đương nhiều nhiệm vụ, nhưng ông Thịnh vẫn luôn hoàn thành, bởi với ông “trách nhiệm của một người đảng viên luôn được đặt lên hàng đầu, một khi đã đảm nhận thì phải hoàn thành”.
Luôn trăn trở về mảnh đất đã nuôi dưỡng mình nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, vì vậy, mà thời gian qua, gia đình ông Thịnh luôn nhiệt tình tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, hội viên CCB nghèo, đóng góp các quỹ từ thiện, nhân đạo... với hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, để bà con nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên, ông còn cho nhiều gia đình nghèo vay tiền làm ăn không tính lãi, với các hình thức như cấp cám gạo, thức ăn chăn nuôi; cho mượn tiền mua nông cụ, phân bón... Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát được nghèo, tự chủ kinh tế.
Suốt nhiều năm qua, gia đình ông Thịnh còn làm nhiều việc ý nghĩa khác như hỗ trợ xây nhà đồng đội, tặng quà thường niên cho các hoàn cảnh khó khăn; đóng góp làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ gạo mỗi tháng cho bếp từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện; sửa nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con buôn Bù Đạt (Phước Cát 1) và hỗ trợ bà con nơi đây cải tạo đồng ruộng.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, đối với những đứa trẻ S’Tiêng ở buôn Bù Đạt, ông Thịnh như người cha đỡ đầu cho chúng. Là thôn của người dân tộc thiểu số, nhiều trẻ nơi đây chưa được bố mẹ quan tâm đầy đủ việc học, thiếu thốn sách vở. Xót xa trước những hoàn cảnh này và không muốn những “mầm non tương lai không được lớn”, hằng năm, ông Thịnh đều nhận giúp đỡ quần áo, sách vở, đồ chơi, tài trợ sữa cho các em; và còn làm sân, sửa cổng trường mẫu giáo, để các con ngày ngày đều vui tươi đến lớp.
Và còn rất nhiều việc làm nghĩa tình khác mà người đảng viên CCB ấy vẫn luôn âm thầm làm trong suốt gần nửa cuộc đời mình. Những điều ấy lại chính là món quà, niềm vui ông tự tặng cho mình như chính ông nhìn nhận.