(QK7 Online) - Hình ảnh “Bác Hồ có nước da hồng hào, đẹp lão, đôi mắt sáng ngời, dáng đi nhanh nhẹn” là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Đại tá Đặng Thanh Dân (Năm Dân), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An.
Tháng 5, cả nước hướng về ngày sinh nhật Bác Hồ trong ngôi nhà nhỏ ở con đường Nguyễn Văn Tiếp, thị trấn Bến Lức, ông Năm Dân lật từng trang ký ức để nhớ về lần được gặp Bác trong ngày tổng duyệt binh chuẩn bị cho kỷ niệm 15 năm Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Đại tá Đặng Thanh Dân.
Ông Năm Dân từng công tác ở Đại đội bảo vệ Phân khu miền Tây. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vơ ký kết, tháng 3 năm 1955, ông cùng nhiều cán bộ miền Nam lên con tàu KiLinSKi tập kết ra Bắc. Ông được điều về công tác tại Sư đoàn 330 đứng chân trên địa bàn huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Đến năm 1960, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây, Hà Nội. Sau ba tháng vào trường, Đặng Thanh Dân - Học viên Sĩ quan Pháo binh được vinh dự đứng trong hàng ngũ tuyển chọn của trường để tham gia luyện tập duyệt binh chuẩn bị cho kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (2/9/1945 - 2/9/1960).
Được đứng trong hàng ngũ duyệt binh đó là điều mong ước của mỗi chiến sĩ vì vậy ai cũng phấn khởi, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong luyện tập. Gian khổ rèn luyện trong 3 tháng, đến ngày 30 tháng 8 năm 1960, toàn đội hình duyệt binh tiến hành tổng duyệt. Buổi luyện tập kết thúc thành công tốt đẹp, ông Dân cùng đồng đội về doanh trại nghỉ. Cùng thời điểm đó, mọi người được thông báo có phái đoàn Chính phủ tới thăm. “Ai cũng háo hức làm công tác chuẩn bị tiếp đón. Sau khoảng 15 phút, phái đoàn khoảng 13 người đi tới. Đoàn Chính phủ tiến về doanh trại - nơi nghỉ của lực lượng Trường Sĩ quan Pháo binh tham gia lễ duyệt binh. Đi đầu là Bác Hồ, theo sau là đồng chí Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Tới nơi, mọi người đều đồng loạt đứng dậy “chào Bác, chúc Bác khỏe”, ông Dân cho biết.
Ông Dân đứng gần cửa ra vào nên khi chào Bác nghe thấy giọng miền Nam. Bác hỏi: Cháu người miền Nam phải không? Ông Dân: Dạ thưa Bác vâng ạ! Bác: Cháu làm gì? Ông Dân: Dạ! cháu học Trường Sĩ quan Pháo binh. Bác khen tốt và động viên ông cố gắng học tập để trở về miền Nam đánh giặc.
Sau đó, các học viên pháo binh ngồi vây quanh nghe Bác cùng đoàn Chính phủ nói chuyện. Bác hỏi thăm bộ đội tham gia duyệt binh có vất vả không? Ăn uống thế nào? Mọi người đều đồng thanh thưa với Bác: “Tất cả đều hăng hái luyện tập. Ăn được nhiều cơm và cơm ngon”. Bác khen ngợi sự nỗ lực cố gắng của bộ đội rồi căn dặn: Hôm nay, Bác cùng các chú, các bác trong Chính phủ tới thăm bộ đội duyệt binh để cho bộ đội biết Bác với Chính phủ. Năm nay (1960), ngày Quốc khánh tổ chức lớn có nhiều thực khách, phóng viên quốc tế tới tham dự, đưa tin. Trong ngày lễ duyệt binh, các cháu cố gắng giữ hàng ngũ chỉnh tề. Nếu duyệt binh xấu thì người ta đánh giá Quân đội mình kỷ luật không nghiêm cho nên Bác và Chính phủ tới thăm trước.
Mặc dù cuộc trò chuyện của Bác và phái đoàn diễn ra trong vòng 5 phút nhưng những lời dặn dò của Bác, các chiến sĩ đều khắc ghi để nỗ lực hết mình trong ngày trọng đại của đất nước.
Nhớ lời căn dặn của Bác, ông Năm Dân luôn cố gắng học tập rèn luyện trở thành một người chỉ huy xuất sắc, lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Biện Văn Cường