Đầu tháng 1-1975, địch có những dấu hiệu tháo chạy. Chiến sĩ ta bắt thêm được một số tù binh, họ cho biết trong cứ điểm không nhận được đồ tiếp tế, thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược. Một số lính tử trận và bị thương vẫn nằm đó không có trực thăng đưa xuống Tây Ninh. Binh lính đã mất hết tinh thần chiến đấu. Đã có những toán lính đào ngũ trốn khỏi cứ điểm…
Thời cơ đã đến quân ta càng xiết chặt vòng vây không cho địch đổ quân tiếp viện, đồng thời nới lỏng một cửa thoát cho đối phương rút chạy. Đến ngày 6-1-1975, sau 31 ngày đêm đối đầu sinh tử, cứ điểm của địch bị xóa sổ (đúng vào ngày quân ta giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long).
Ý đồ chiến thuật của Bộ Tham mưu Miền đã được các chiến binh quả cảm tại núi Bà Đen thực hiện một cách trọn vẹn. Trận đánh này đã đạt hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, giải phóng núi Bà Đen, tạo lợi thế lớn trên chiến trường để làm “bàn đạp” giải phóng cả khu vực xung quanh, mở rộng hành lang chiến lược hướng Bắc và Tây- Bắc Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự tiếp theo. Thứ hai, nghi binh thu hút đối phương, câu nhử lực lượng tổng trừ bị thiện chiến của Quân đội Sài Gòn vào trận, để chủ lực ta dồn dập tiến công hướng chủ yếu. Cùng thời gian diễn ra trận đanh này, Quân đoàn 4 chủ lực và quân dân Phước Long đã giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long, trận đánh “trinh sát chiến lược” để thăm dò phản ứng của Mỹ.
Mất núi Bà Đen, quân đội Sài Gòn thua đau, địch lên kế hoạch tái chiếm núi Bà Đen bằng mọi giá, với lực lượng điều động tới quy mô quân đoàn (Quân đoàn 3). Sư đoàn Nhảy dù tuy đã ngán ngẩm mặt trận này, vẫn nằm trong danh sách bị điều động. Toàn bộ máy bay trực thăng ở Biên Hòa, ở Bình Thủy (Cần Thơ) đã huy động cho kế hoạch tái chiếm này.
Liên tục trong nhiều ngày, cao điểm nhất là từ 23 đến 26-1-1975, sau khi không quân và pháo binh bắn phá hủy diệt để dọn đường, địch dùng cả đoàn trực thăng đổ lính dù xuống đỉnh núi phối hợp với Quân đoàn 3 dưới chân núi dùng bộ binh tiến công lên nhằm chiếm lại cứ điểm.
Kịch bản này đã nằm trong phương án tác chiến của Bộ Tham mưu Miền. “Nhạc trưởng” của phương án này là sĩ quan quân báo Trần Văn Danh (Ba Trần) Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền, trực tiếp chỉ đạo trận đánh. Ngay khi đơn vị chúng tôi đang quyết liệt giành chiến thắng trên đỉnh núi, thì Bộ Tham mưu Miền đã điều động các đơn vị: Trung đoàn 16, Trung đoàn 205 (thuộc Bộ Tham mưu Miền) và Tiểu đoàn 14 (thuộc Tỉnh đội Tây Ninh) đến chân núi để đón lõng, sẵn sàng tiêu diệt quân tiếp viện của đối phương.
Quân đoàn 3 của Quân đội Sài Gòn rầm rộ xe pháo kéo tới chân núi, lọt ngay vào trận địa của các đơn vị Quân Giải phóng. Những trận đánh kinh hoàng lại diễn ra. Trên đỉnh núi, Sư đoàn dù lại một lần nữa thất bại bởi sự chốt giữ của lính Trinh sát, Đặc công. Quân đội Sài Gòn có lực lượng mạnh, hỏa lực mạnh hơn ta nhiều lần, nhưng họ rơi vào thế trận mà chúng ta đã bày sẵn nên địch bị vỡ trận.
Trong những trận đánh chặn ở Suối Đá dưới chân núi, hai bạn tôi thuộc Trung đoàn 16 (Phạm Thăng, Tiểu đoàn 7 và Vũ Văn Thủy, Tiểu đoàn 9 cả hai anh đều bị thương vì pháo kích. (Khi kết thúc chiến tranh, Thăng và tôi về học đại học cùng nhau. Sau Thăng theo nghề giáo, anh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM).
Đến đầu tháng 3-1975, sau nhiều lần tái chiếm nhưng thất bại, đồng thời chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đã mở màn, Quân đội Sài Gòn phải dồn lực lượng cứu nguy cho chiến trường Tây Nguyên và miền Trung đang bị tiến công dồn dập. Do vậy, họ phải từ bỏ ý đồ tái chiếm núi Bà Đen, chấp nhận vĩnh viễn mất cứ điểm tiền tiêu quan trọng này. Cấp trên rút đơn vị chúng tôi về ven đô Sài Gòn để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.
Sau khi giải phóng núi Bà Đen, Quân Giải phóng nhanh chóng tổ chức các trận địa pháo trên núi làm bàn đạp tiến công xóa sổ hàng loạt đồn bốt địch trong khu vực. Cửa ngõ phía Bắc và Tây- Bắc Sài Gòn đã mở toang để rồi hơn một tháng sau đó, ngọn núi này sừng sững uy phong đón chào đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Khi lá cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi, đơn vị chúng tôi mất đi 67 cán bộ, chiến sĩ đã xả thân cho chiến thắng oai hùng này. Ngoài ra, nhiều anh em đã để lại chiến trường một phần xương máu trong trận đánh sinh tử năm ấy. Vẫn biết rằng, chiến thắng nào cũng phải chấp nhận sự hy sinh, nhưng trong trận chiến này, sự hy sinh, mất mát mà đơn vị chúng tôi phải đánh đổi là quá lớn.
Ba mươi mốt ngày đêm dưới mưa bom bão đạn, để đi tới chiến thắng, các chiến sĩ Quân báo, Trinh sát, Đặc công anh hùng đã thể hiện một ý chí phi thường, một sức sống phi thường và những cái chết phi thường đã trở thành bất tử.