(QK7 Online) - Những năm gần đây, UAV (máy bay không người lái) và tên lửa hành trình được sử dụng ngày càng phổ biến trong những cuộc xung đột quân sự giữa các nước trên thế giới. Những vũ khí hiện đại này có kích thước nhỏ và khả năng bay ở tầm thấp nên việc phát hiện các mục tiêu rất khó khăn. Do đó, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech-VHT) thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư nghiên cứu và chế tạo thành công đài radar 3 tọa độ (3D) chiến thuật băng S VRS-SRS nhằm tăng cường khả năng giám sát phòng không tầm thấp.
Đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đặt tại Khu công nghệ Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: Thu Hương
Được sự chỉ đạo của trên, từ năm 2018, đội ngũ chuyên gia của VHT bắt tay vào nghiên cứu radar 3D. Sau hơn hai năm tập trung nghiên cứu và phát triển, VHT đã làm chủ hoàn toàn các công nghệ lõi của radar hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ, chế tạo thành công đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS. Đài radar 3D ứng dụng công nghệ ăng ten điện tử hiện đại, có khả năng phát hiện mục tiêu kích thước nhỏ như UAV, tên lửa hành trình ở độ cao thấp, với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, đài có thể phân biệt được một số mục tiêu bay ở độ cao khác nhau và được thiết kế Module hóa hoàn toàn, dễ dàng tháo lắp, vận chuyển và triển khai ở khu vực đô thị cũng như địa hình đồi núi hiểm trở. Đặc biệt, đài bảo đảm tính bí mật cao do được trang bị các công nghệ chống trinh sát điện tử hiện đại; cho phép hoạt động liên tục 24/7 với tuổi thọ lên tới hơn 20 năm.
Để có thể nghiên cứu và chế tạo thành công đài radar 3D, các chuyên gia của VHT đã gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Đồng chí Trần Hoàng Việt, Trưởng phòng Công nghệ ăng-ten mảng pha chủ động, Trung tâm Radar (VHT), chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ yếu tố kỹ thuật, cơ sở vật chất cho đến nhân lực. Đơn cử như, các năm 2019 và 2020, đúng vào thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, đội ngũ nghiên cứu đang hoàn thiện radar 3D phiên bản thứ nhất thì cấp trên đặt hàng các bộ radar 3D. Lúc đó nhân lực của VHT thiếu, rồi nhà máy bên nước ngoài cung cấp vật tư cho nghiên cứu, sản xuất bị giới hạn. Vì thế, có những vật tư khi chúng tôi nghiên cứu thì có, nhưng khi sản xuất lại không còn nữa nên đặt ra bài toán là phải thay đổi vật tư linh kiện. Câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ là liệu thay vật tư linh kiện mới có bảo đảm chất lượng không? Có chạy theo đúng chức năng không? Lúc đó, chúng tôi tập trung thay đổi thiết kế và mong chờ vật tư về để thử nghiệm kịp tiến độ sản xuất. Rất may mắn, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ chuyên gia tìm hiểu nguyên lý của vật tư linh kiện thì thiết kế sau này hoạt động bảo đảm yêu cầu”, đồng chí Việt nhớ lại.
Khó khăn tiếp theo là việc thiết kế hệ thống phải tính toán nhiều, ngoài tính năng kỹ thuật thì độ bền là yếu tố luôn đặt lên song song và việc lựa chọn linh kiện phải bảo đảm cả hai yếu tố trên. Ngoài ra, sau khi sản xuất xong, có rất nhiều bài kiểm tra liên quan đến môi trường như rung, xóc, độ ẩm. Do đó, VHT đã phải đầu tư rất nhiều hệ thống có thể kiểm tra các yếu tố đó. Với sự nỗ lực ngày, đêm nghiên cứu, liên tục thử nghiệm, nâng cấp tính năng thì đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS cũng đã hoàn thiện, bảo đảm yêu cầu của trên. So sánh với đài radar 3D chiến thuật cùng phân khúc của một công ty nước ngoài đứng hàng đầu trong sản xuất radar, đài radar do VHT nghiên cứu có chỉ tiêu tương đương thậm chí vượt trội hơn như khả năng phát hiện mục tiêu trực thăng xa hơn gấp 1,6 lần, độ chính xác đo góc tà tốt hơn gấp 2 lần...
Việc Viettel làm chủ công nghệ sản xuất radar 3D là tiền đề để Việt Nam phát triển nhiều dòng khí tài quân sự tiên tiến, đáp ứng nhu cầu tác chiến đa dạng của Quân đội, như: Đài radar 3D cảnh giới phòng không tầm trung, đài radar 3D cơ động bờ biển tầm trung, tổ hợp trinh sát chế áp phương tiện bay không người lái tầm gần, tổ hợp pháo phòng không 57mm... Công trình “Nghiên cứu, sản xuất đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS” mới đây cũng đã mang về giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24 (năm 2024) cho Viettel. Thành công của công trình không chỉ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho quốc gia mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng, góp phần hiện đại hóa Quân đội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Vi