Chồng là sĩ quan Quân đội đóng quân tại Sư đoàn 5, thường xuyên vắng nhà, hơn một năm nay, chồng lại đi học tận Liên bang Nga. Quê quán mãi Hà Tĩnh, không có bà nội, bà ngoại đỡ đần, ở nhà chị Nguyễn Thị Hiền Lương thay chồng chăm sóc hai con nhỏ. Thậm chí cả hai lần “vượt cạn” là hai lần chị không có chồng bên cạnh. Dù vất vả, đối diện với nhiều khó khăn, thử thách nhưng người vợ trẻ ấy luôn động viên, chia sẻ để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Lương hiện là giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu, thành phố Tây Ninh hai con đang tuổi ăn, tuổi học nên vất vả nhân đôi. Vào mỗi buổi sáng, chị Lương dậy sớm lo cho hai con ăn uống, tắm rửa, sắp xếp đồ dùng học tập của con rồi đưa hai cháu đến trường để cả mẹ và con kịp vào lớp. Chiều, chị đón hai con về nhà, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tối đến vừa soạn giáo án, vừa kèm con học bài và chỉ nghỉ ngơi vào lúc đồng hồ chỉ 22 giờ đêm. Sợ nhất là những lúc con bệnh, chồng đi công tác, một lần cháu Khánh Vi bị sốt xuất huyết, rồi lần khác cháu Nguyễn Anh Vũ bệnh chân tay miệng chồng đang đi công tác mãi tận Đà Lạt, một mình chị đưa con đến bệnh viện và thức trắng đêm để chăm sóc cho con. Sợ chồng lo lắng, ảnh hưởng đến công việc, chị không dám điện thoại báo tin mà một mình lo liệu. Vượt lên hoàn cảnh, chị vẫn cố gắng khắc phục vượt qua. Chính từ hậu phương vững chắc được xây nên bằng tình yêu và công sức của vợ mà Thượng tá Nguyễn Hải Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cũng như bao người vợ bộ đội, chị Nguyễn Thị Sơn, vợ Thiếu tá Hà Cường cũng chịu cảnh “Ngưu lang, Chức nữ”, đóng quân mãi Quân đoàn 4 tỉnh Bình Dương, cách nhà xa hơn 100km, cả tháng anh Cường mới tranh thủ được hai ngày cuối tuần. Chị là giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hùng, xã Thanh Điền. Với chị không có khái niệm nghỉ lễ, tết bởi đó là thời điểm anh trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị và 4 năm qua, chị đón giao thừa không có chồng bên cạnh. Mỗi lần được về phép, anh chăm chỉ làm hết mọi việc, từ giặt giũ quần áo, đi chợ, nấu cơm, đưa con đi học…Nhìn anh chăm sóc vợ, con khiến chị cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc!. Chị tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp và bà con lối xóm vì có chồng là bộ đội. Với nụ cười tươi tắn, chị Sơn bày tỏ “Lúc đầu thấy gia đình bạn bè đồng nghiệp sum vầy, hạnh phúc mình cũng chạnh lòng, nhưng dần dần cũng quen, hơn nữa lấy vợ bộ đội thì ai cũng phải có sự cảm thông, vượt khó mới có thể vun vén hạnh phúc gia đình để chồng yên tâm công tác.
Chị Nguyễn Thị Hương làm kế toán tại UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành vợ Thiếu tá Nguyễn Văn Tuất đang công tác tại Đà Lạt bộc bạch, “Cưới nhau xong là anh đi công tác suốt, cả hai đứa đều xa quê, không có nội, ngoại đỡ đần, mọi chuyện trong gia đình một mình tôi gánh vác, từ khi mang thai, đi khám thai, chích ngừa, làm các thủ tục xét nghiệm… tôi đều đi một mình, đến khi vượt cạn, con gái đầy tháng anh mới về. Chị Hương chia sẻ: “Người con gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm vợ bộ đội thì đều có thể hình dung ra một phần cuộc sống thiếu vắng người chồng rồi. Vẫn biết rằng, làm vợ lính thời bình thì nỗi vất vả chẳng thấm vào đâu so với những người vợ lính thời chiến. Song, phải thật lòng mà nói, thời chiến thì buộc lòng phải xa chồng là lẽ đương nhiên. Còn thời bình thì người vợ nào cũng muốn chồng ở bên cạnh. Thế nhưng, rất hiếm có người vợ lính nào được toại nguyện ước mong bình dị”. Từ suy nghĩ ấy, tôi luôn cố gắng làm việc sao cho xứng đáng với anh ngày đêm vất vả để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Những người như chị Lương, chị Sơn, chị Hương cũng như hàng triệu, triệu những người vợ bộ đội trên khắp mọi miền đất nước là điểm tựa về tinh thần, là hậu phương vững chắc để những “người lính Cụ Hồ” yên tâm công tác chắc tay súng bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn biên cương Tổ quốc.