Những âm thanh trầm bổng của tiếng trống hội, cồng, chiêng và các nhạc cụ dân tộc được chế tác từ các vật dụng thô sơ trong đời sống hàng ngày như: Tre, nứa, gỗ, gốm, kim loại... như một giai điệu tượng trưng cho tiếng của núi, tiếng của rừng, tiếng của đất, của trời hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh âm thanh và màu sắc sinh động trong chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra vào 20 giờ ngày 19-4, tại sân khấu Quảng trường Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), do Bộ VHTTDL tổ chức.
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc; Bùi Thị Thanh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội, già làng, trưởng bản đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Năm 2016, Bộ VHTTDL đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo về giải pháp trong sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số; mở 15 lớp tập huấn cho nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa; truyền dạy văn hóa phi vật thể của các dân tộc có số dân dưới 5 nghìn người; tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả 15 năm bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số; hướng dẫn các địa phương tổ chức hằng năm các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc với các nội dung thiết thực, có ý nghĩa... Tuy đã có những chuyển biến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc nhưng văn hóa truyền thống các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức. Văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số có nguy cơ cao bị mai một, biến dạng; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, một số truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, việc phát triển những giá trị mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của Nhà nước được thực hiện thông qua các đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí để triển khai, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số rất khó thực hiện. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa, có các biện pháp thiết thực, phù hợp để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả.
Nói về các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Chương trình năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động: Đồng bào các dân tộc đến từ các vùng, miền của đất nước sẽ giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực dân tộc, đặc biệt là hoạt động giới thiệu, chế tác nhạc cụ dân tộc từ tre, nứa; thi đấu và biểu diễn võ dân tộc, vật cổ truyền dân tộc, trình diễn giới thiệu yoga được tổ chức với sự tham dự của đông đảo vận động viên, thành viên câu lạc bộ đến từ các địa phương... Tất cả sẽ góp phần tạo nên một không gian văn hoá đa sắc màu, đầy sức sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” - Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề “Những bông hoa đất Việt ”, chương trình do nhạc sĩ Quang Vinh tổng đạo diễn, các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và các đoàn nghệ thuật biểu diễn.
Chương trình gồm 6 phần: Phần 1 chủ đề “Những bông hoa núi” giới thiệu cụm văn hóa một số dân tộc tiêu biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Tày, Dao, Hơ mông, Lô Lô, Khơ mú...
“Âm vang sông Hồng” là chủ đề phần 2 của chương trình giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ, trong đó chủ đạo là những nét văn hóa sinh hoạt gắn liền với đời sống lao động hàng ngày, xen lẫn nét văn hóa tín ngưỡng của một số địa phương có chủ yếu là dân tộc Kinh thuộc lưu vực sông Hồng gắn liền với nền văn minh lúa nước .
“Tổ khúc giao mùa” ở phần 3 khắc họa những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống, lao động, những loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính chất tâm linh của một số địa phương thuộc khu vực miền Trung.
Phần 4 chủ đề “Những cung bậc Cao nguyên” giới thiệu với người xem những phong tục, tập quán thông qua những hoạt động, sinh hoạt văn hóa của một số dân tộc đại diện cho các dân tộc thuộc khu vực cao nguyên Nam Trung bộ.
Nét đặc sắc trong văn hóa sinh hoạt, lao động của đồng bào thuộc khu vực đồng bằng Nam bộ được thể hiện trong phần 5 của chương trình với chủ đề “Những điệu hò trên sông”.
“Những bông hoa đất Việt” là phần kết của chương trình, tổng hợp văn hóa của đại diện tất cả các dân tộc Việt, được gắn kết như một đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó mỗi dân tộc đều được tôn vinh và tỏa sáng trong chính sự khác biệt đa dạng của mình.
Mỗi phần biểu diễn được xây dựng theo thể liên hoàn, dưới các hình thức ca, diễn xướng, múa, nhạc kết hợp nghệ thuật sắp đặt, sân khấu phức hợp và được kết nối bởi phần dẫn của MC cho từng phần đã mang đến cho khán giả một “bữa tiệc” âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tiết mục do các nghệ sĩ: NSND Vi Hoa; các NSƯT: Thanh Hương, Tố Nga, Đức Long, Ngọc Khang; ca sĩ H’ZiNa, Hoàng Quyên...biểu diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.
Mỗi một dân tộc như một chùm hoa cùng tề tựu trong Ngày Văn hóa các dân tộc thể hiện những nét đặc sắc của mình và cùng nhau tạo nên một vườn hoa tươi thắm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 23-4.
Nguồn: qdnd.vn