Anh Đỗ Văn Tân, Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn 47 tâm sự: “Đây là giai đoạn bộ đội phải chống chọi với sức tàn phá vô cùng khốc liệt của các loại pháo bầy, bom phá, bom bi, bom xăng… Từng can nước, từng vắt cơm, thùng đạn gùi lên trận địa có những lần phải đổi bằng máu. Đưa một thương binh từ trận địa xuống trạm phẫu là cả một kỳ công, đôi khi bom pháo gây thêm thương vong cho những người tải thương. Giai đoạn vây ép là thời gian bộ đội ta bị tổn thất nhiều vì bom pháo”.
Mỗi đợt đánh phá, địch “chơi” theo thứ tự lớp lang nhằm phát huy cao nhất sức mạnh hủy diệt của vũ khí Mỹ. Máy bay oanh tạc trước, bom phá nổ long trời, đánh sập hầm, hất văng các loại nắp công sự. Người ở gần, không trúng mảnh bom thì cũng bị sức ép mà thương vong. Tiếp đến bom bi mẹ nổ bung ở trên cao, tỏa ra hàng trăm trái bom con (lớn hơn trái lựu đạn). Những trái bom con rớt dày đặc sườn núi, lăn lốc cốc trên đá, lăn cả vào hang rồi nổ văng ra hàng ngàn viên bi. Bởi vậy, ngay cả người đang trú trong hang cũng bị sát thương do loại bom này. Sau nữa đến bom xăng, khi bom nổ trên mặt đất hoặc trên phiến đá, xăng bén lửa chảy xuống những khe đá, chảy cả vào hang. Đến đá núi còn bị cháy huống chi con người.
Sau máy bay, đến pháo kích. Đầu tiên là pháo phá, tiếp đến pháo khoan. Trái pháo khoan sâu dưới đất mới nổ khiến con người đang trú ẩn trong công sự hoặc dưới hang đá gần đó rất tức ngực, nhiều chiến sĩ đã ho ra máu. Tiếp đến là pháo đinh, loại pháo chứa nhiều vòng đinh bên trong. Loại pháo này nổ văng ra cả ngàn cây đinh, sát thương cao như bom bi. Trước khi ngưng pháo để máy bay trực thăng đổ quân chi viện và thả đồ tiếp tế xuống cứ điểm, địch bắn tiếp hai loại pháo để “bịt mắt” quân ta. Pháo cay, tiếng nổ nhỏ hơn, loại này phát tán ra môi trường loại chất độc hóa học cay như ớt bột, khiến bộ đội không mở được mắt và rất ngạt thở. Sau cùng là pháo mù, cũng tiếng nổ nhỏ, lại thêm loại chất độc hóa học như sương, mù mịt cả trận địa của ta.
Trinh sát Phạm Quang Xá nhớ mãi những ngày làm xạ thủ súng đại liên trên chốt: “Bom pháo bắn phá dữ dội, bạn chiến đấu người hy sinh, người bị thương khiến chúng tôi đau xót quá. Cả tháng trời không có rau, thèm quá lính mình phải dùng đọt chuối rừng thay rau. Gian khổ, ác liệt là vậy nhưng anh em vẫn kiên cường chiến đấu, ngày đánh quân tiếp viện, đêm tập kích vào đồn địch. Nhiều anh em rất gan dạ. Trinh sát Trịnh Văn Chư (xạ thủ B41) và trinh sát Đinh Văn Nhiệm (xạ thủ B40) mỗi lần đi tập kích là làm cho lính địch kinh hoàng”.
Trinh sát Nguyễn Ngọc Sơn, xạ thủ B41 vẫn không thể nào quên những ngày lửa đạn, anh nói: “Từ sáng tới chiều lúc nào cũng đinh tai, nhức óc vì tiếng bom pháo. Mặt đất bị cày đi, xới lại, lửa cháy đỏ rực. Trên điểm chốt, những khe đá, những khe suối... chỗ nào cũng bị bom đạn. Khốc liệt đến vậy, cộng với những lúc đói khát do đường tiếp tế bị bắn phá, nhưng chiến sĩ ta vẫn vững vàng giữ trận địa. Nói rằng thần kinh thép cũng không sai. Ở mũi Tây – Tây - Nam chúng tôi cả tháng không được một chén cơm nóng, hoàn toàn ăn cơm vắt....”.
Sự khốc liệt, thương vong dập xuống tất cả các bộ phận, bất kể đó là những người đang cứu thương, những người đang tải thương. Anh Trần Quang Điểu, Đại đội trưởng vận tải kể lại: “Đường leo núi cao gần ngàn mét phải chia làm hai đoạn, vận tải gùi hàng lên và tải thương xuống theo kiểu cuốn chiếu. Nếu trên chốt không lấy được nước thì phải gùi nước lên. Hằng ngày, các tốp vận tải phải đi từ bốn giờ sáng mới kịp hai chuyến trong ngày. Địch muốn chặn tiếp tế của quân ta nên dội bom pháo vào đường vận tải. Bởi vậy, vận tải cũng “xương máu” như anh em chiến đấu. Đại đội vận tải bị hy sinh bốn người, bị thương 16 người”.
Trinh sát Hoàng Đình Vệ, thủ kho trung chuyển vẫn không quên: “Kho đặt cách xa cứ điểm nhưng vẫn bị máy bay bắn rốc két và bị pháo kích nhiều lần. Rất may trong những lần bị đánh phá, hàng tiếp tế đã kịp vận chuyển lên trận địa nên không bị thiệt hại. Trong những ngày khói lửa ấy, ở vị trí nào, làm công việc gì, ranh giới giữa sống chết rất mong manh”.
Chiến sĩ Vũ Nguyên Hồng và các bạn anh nuôi hàng ngày mang cơm lên trận địa cho bộ đội, dọc đường các anh bị bom, pháo đánh dữ dội. Nhưng, thật tuyệt vời, chưa lần nào anh em nuôi quân trễ giờ.
Lính thông tin là bộ phận mà pháo binh địch “chăm sóc” khá kỹ. Tiểu đội trưởng Trương Quang Hảo vẫn nhớ mãi những ngày sống chết cận kề: “Đường dây điện thoại nội bộ bị pháo bắn đứt tả tơi. Không thể để mất liên lạc, anh em thông tin đi nối dây là pháo địch dập tới.”.
Đại đội trưởng thông tin Phạm Hồng Đảng trao đổi: “Với máy vô tuyến điện, mỗi lần lên sóng làm việc là pháo địch “ghé thăm” liền. Pháo địch bắn rất chính xác, trúng ngay vị trí ăng ten đang phát sóng. Tại hầm thông tin ở hướng Đông, pháo bắn trúng hầm làm hai chiến sĩ Phạm Văn Năm và Đỗ Đức Văn hy sinh”.
Anh Lê Mạnh Hưởng, Tiểu đội trưởng thông tin nói: “Ngày 12-12-1974 tôi bị thương nặng do mảnh pháo ngay tại hầm thông tin nên phải dời trận địa”. Anh Bùi Xuân Đinh kể lại: “Sau những lần tổn thất xương máu, lính thông tin chúng tôi rút kinh nghiệm đặt ăng ten cách xa nơi đặt máy để tránh pháo bắn trúng hầm”.
Tiểu đội trưởng thông tin Nguyễn Tiến Chính, phục vụ tại Sở Chỉ huy mặt trận, cho biết: “Liên tiếp cả tháng trời quân ta phải chịu đựng sự hủy diệt khốc liệt của bom, pháo. Tại hầm chỉ huy hướng Đông, mấy lần bị pháo bắn trúng hầm. Trợ lý Chính trị Chu Liên hy sinh.”.
Bom pháo hủy diệt liên tục ngày đêm với cường độ ngày càng dữ dội. Lại có thêm nhiều đồng đội thân thương của chúng tôi ngã xuống ngọn núi này: Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Văn Trợ, Bùi Duy Sơn, Cao Đức Tương… Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 47 Búp Sơn bị thương nặng phải về tuyến sau. Cấp trên điều động anh Trịnh Hiệp Hòa về làm tiểu đoàn trưởng.
(Còn tiếp)