Việt Nam là quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều trên thế giới, với hơn 47% nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc. Mặc dù đã được cảnh báo về tác hại thuốc lá nhưng do sự thờ ở của người dân cũng như những bất cập trong công tác quản lý, điều trị và xử phạt đã khiến công tác phòng chống tác hại thuốc lá vẫn gặp khó.
Bác sĩ đang thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân cai thuốc lá. Ảnh: Thành Anh
Sát thủ” lá phổi
Khu khám bệnh của Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương luôn đông bệnh nhân tới khám từ sáng sớm tới chiều muộn. Thở hắt sau từng cơn ho rũ rượi, anh Nguyễn Xuân Tú (32 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) trải lòng: “Tôi thực sự không ngờ chỉ vài năm hút thuốc mà phổi tôi hỏng hết. Gần đây, bị khó thở, ho nhiều và sút cân rất nhanh. Các bác sĩ xác định cả hai bên phổi của tôi đều bị xơ hóa do khói thuốc gây ra”. Trong khi đó, ông Lê Huy (55 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đang điều trị lao phổi, chia sẻ: “Tôi nghiện thuốc lá gần 20 năm nay, mỗi ngày hút tới 2 bao thuốc. Sau nhiều năm hút thuốc, tôi bị lao phổi nặng tưởng chết, nhưng rất may sau vài tháng điều trị, đến nay sức khỏe đã khá hơn, chắc chắn sau đợt điều trị này tôi sẽ bỏ hút thuốc”.
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, trong số hàng ngàn bệnh nhân bị lao phổi, viêm phế quản, hen phế quản tắc nghẽn mãn tính nhập viện điều trị hàng năm, chiếm hơn 60% số bệnh nhân có tiền sử hút thuốc.
Không chỉ những người trực tiếp hút thuốc phải gánh chịu những hậu quả nặng về sức khỏe, mà cả những người không hút thuốc nhưng ở trong môi trường có khói thuốc lá cũng bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. BV K Trung ương từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân còn rất trẻ, thậm chí là phụ nữ và trẻ nhỏ bị ung thư phổi, dù không hút thuốc. PGS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K Trung ương, chỉ rõ hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, chiếm tới hơn 90% số ca mắc. Tại BV từng tiếp nhận bệnh nhân mới 15 tuổi đã bị ung thư phổi vì trong nhà có bố hút thuốc lá tới cả bao/ngày, dẫn đến việc con bị ảnh hưởng. Mặc dù được cứu chữa, điều trị nhưng cháu bé đã tử vong sau 2 năm mắc ung thư phổi. Đây là trường hợp không phải hiếm về căn bệnh ung thư phổi do thuốc lá gây ra.
Hãy từ bỏ thuốc lá
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ, kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mạn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này.
Còn theo PGS Lê Văn Quảng, quan niệm về chất nicotine trong thuốc lá gây hại và gây ung thư phổi là không đúng, mà các nghiên cứu chỉ ra rằng các độc tố và chất gây ung thư trong khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong. Khói thuốc đến từ hai nguồn là khói thuốc thụ động và khói thuốc phụ. Khói thuốc thụ động là khói từ người hút nhả ra. Khói thuốc phụ bay ra từ đầu điếu thuốc đang cháy và chiếm phần lớn lượng khói thuốc trong một môi trường nhất định. Khói thuốc phụ độc hại gấp 2 - 3 lần khói thuốc do người hút thở ra, vì khói thuốc phụ không đi qua đầu lọc khói. Một người nếu ở trong căn phòng có vài người hút thuốc trong khoảng một giờ sẽ hấp thụ nhiều hóa chất độc hại tương đương với một người hút 10 điếu thuốc/ngày. Đối với trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi, có nguy cơ phát bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Trước thực trạng số người hút lá ở nước ta ở mức rất cao, với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, Bộ Y tế kêu gọi mọi người từ bỏ hút thuốc và giảm tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Chỉ cần sau 2 tuần ngừng hút thuốc, các chức năng phổi đã bắt đầu cải thiện và 10 năm không hút thuốc lá, giúp nguy cơ mắc ung thư phổi giảm 50%. Hơn nữa ngừng hút thuốc cũng là biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm các triệu chứng hen suyễn.
Theo WHO, mỗi năm trên thế giới, khói thuốc lá “giết” hơn 8 triệu người, trong đó có 1 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV-AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Nhận thức được tác hại của thuốc lá, từ năm 2014, Sở Y tế TPHCM với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã mở các phòng khám, tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá. Đến nay, trên địa bàn TPHCM có 10 đơn vị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đặt tại BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhân dân Gia định, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, Viện Y Dược học dân tộc, BV quận Thủ Đức, BV Nguyễn Tri Phương, BV huyện Bình Chánh, BV quận 11, BV quận 1 và BV Triều An.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, số lượng người dân tìm đến cai nghiện thuốc lá không nhiều. Năm 2017 chỉ có 126 lượt bệnh nhân đến để được tư vấn cai nghiện thuốc lá, năm 2018 tăng lên khoảng hơn 200 lượt. Nếu so sánh với số lượng người hút thuốc lá trong cộng đồng, con số trên vẫn còn rất khiêm tốn
Nguyễn Quốc
Nguồn: sggp.org.vn