(QK7 Online) - Tỉnh Long An có trên 130 km đường biên giáp với nước bạn Campuchia. Điều đặc biệt là ranh giới giữa hai nước chỉ là bờ ruộng hay con kênh nhỏ, nhưng bao năm qua, người dân sống hai tuyến biên giới ấy vẫn chan hòa trong tình làng, nghĩa xóm. Đó chính là kết quả từ “phên dậu lòng dân” vững chắc.
Chúng tôi trở lại Bình Bắc sau một năm vụ gây rối của một số phần tử quá khích thuộc Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia tại khu vực giữa cột mốc 202, 203 thuộc địa phận ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Cột mốc 203 vẫn vững chãi giữa lòng nhân dân hai tuyến biên giới. Màu xanh ngút ngàn của lúa mới chính là tín hiệu lạc quan cho cuộc sống ấm no, bình yên nơi đây. Như lời tâm sự mộc mạc, chân tình của vợ chồng cô chú Huỳnh Văn Thương - Lê Thị Tư đã gần 60 năm gắn trọn đời mình với mảnh đất này. “Cuộc sống bây giờ khá hơn trước nhiều. Ngày xưa “lội bộ” gần chết mới ra đến Mộc Hóa. Còn bây giờ đi xuồng, đi ghe, đường sá đi lại thuận tiện, thóc lúa dễ bán hơn” - chú Huỳnh Văn Thương chia sẻ.
Bà con Nhân dân ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa,
tỉnh Long An thực hành mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”
Chúng tôi có dịp chứng kiến một buổi luyện tập mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” của bà con nhân dân ấp Bình Bắc dưới sự hướng dẫn của đồng chí Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây. Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2014, chính quyền xã đã trang bị cho mỗi hộ gia đình 1 cây kẻng treo ở nơi thuận tiện để khi có tình huống xảy ra, bà con dễ dàng thực hiện hiệu lệnh báo động. Đồng thời, hựớng dẫn cho bà con nội dung, cách thức sử dụng và nhận biết tín hiệu kẻng một cách thuần thục, rõ ràng.
Theo đồng chí Lê Nhật Trường, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Tây, ý thức của bà con nhân dân vùng biên đối với chủ quyền biên giới rất cao. Các phong trào, các cuộc vận động bảo vệ đường biên, cột mốc luôn được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn được giữ vững.
Đến với xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường hôm nay, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong diện mạo nông thôn mới. Những cây cầu gỗ được thay thế bằng cầu bê tông, hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, đường sá đi lại thuận tiện hơn. Người dân yên tâm bám đất giữ làng với diện tích đất canh tác gần 2.100 ha trên tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2.348 ha.
Có được kết quả đó, phải nói đến nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là nhận thức của người dân nơi đây trong tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”. Theo đó, 61 hộ dân có đất sản xuất giáp biên đều tự nguyện ký bản cam kết tham gia. Hiệu quả của phong trào đã lan tỏa ra toàn xã với 100% hộ dân đều đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó mà trong thời gian qua, từ nguồn tin báo của nhân dân, các lực lượng chức năng của xã đã kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh biên giới.
Anh Nguyễn Thanh Bình, người dân ấp 1, xã Thạnh Trị, khẳng định với chúng tôi: “Mình là người dân sống ở biên giới, lại có đất sản xuất giáp biên với nước bạn, nên càng ý thức rất rõ việc chấp hành các quy định về biên giới quốc gia, cùng với bà con nhân dân bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc ở địa phương mình”.
Trong chuyến đi thực tế tại các huyện biên giới Long An, chúng tôi vô cùng xúc động trước những gia đình là hiện thân cho tình cảm đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt Nam-Campuchia. Đó là những gia đình mà chồng hoặc vợ là người Campuchia sinh sống, làm ăn và lập gia đình tại vùng biên giới Long An này. Như trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn An và chị Võ Thị Châu sống tại ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường. Anh An vốn là trẻ mồ côi Campuchia lưu lạc sang Việt Nam thời diệt chủng Pôn Pốt - Iêngsary, được một gia đình người Việt nuôi nấng, giúp anh xây dựng gia đình riêng. Đến nay anh chị đã có với nhau 3 đứa con cả trai và gái. Với anh An, Việt Nam giờ là quê hương của mình. Và anh chị toại nguyện với cuộc sống mình đang có.
Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Việt có vợ là chị Nguyễn Thị Khon, tên Campuchia là Sam Khon, quê xã Tà Nốt bên kia biên giới. Gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo, được nhà nước hỗ trợ một con bò giống, đến nay anh chị đã nhân lên được 3 con. Anh chị cho biết đây là nguồn vốn quan trọng để sắp tới anh chị sẽ xây dựng ngôi nhà mới.
Mảnh đất Long An hiền hòa, mến khách, dung nạp trong đó hai dòng máu Việt Nam-Campuchia để các thế hệ mai sau gìn giữ và phát huy tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc. Đó cũng là một cách để phên dậu lòng dân ngày thêm vững chắc. Và trong xây dựng thế trận lòng dân đó, các lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò nòng cốt. Các anh chính là điểm tựa của nhân dân vùng biên giới.
Bài, ảnh: Thu Cúc