(QK7 Online) - Nhân loại sẽ còn nhắc nhiều đến hai cuộc chiến tranh tàn khốc mà nhân dân Việt Nam đã đổ không ít xương máu để giành lấy độc lập tự do và càng nhắc nhiều hơn về những người con hy sinh cho Tổ Quốc, cho đồng bào không tiếc máu xương mình. Lịch sử không chỉ nhớ ơn những chiến sĩ cách mạng trực tiếp xông pha trên chiến trường ác liệt mà sẽ mãi biết ơn những chiến sĩ gan dạ hoạt động trong lòng địch. Mà anh hùng Nguyễn Văn Thương là một nhân chứng sống tiêu biểu cho một tinh thần thép, ý chí thép của những người hoạt động tình báo.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Văn Thương
Hành trình đến với cách mạng
Nguyễn Văn Thương sinh ra và lớn lên tại xã Lộc Hưng, Trảng Bàng, Tây Ninh trong một gia đình cách mạng. Mới 3 tháng tuổi, ông đã được gửi cho một người cô nuôi dưỡng để ba mẹ đi hoạt động cách mạng. Năm lên 8 tuổi, ông nhận được tin mẹ bị bắt, đày đi Côn Đảo rồi hy sinh. Năm 1959, cha ông hy sinh trong một lần hoạt động quân báo.
Tháng 5 năm 1959 Nguyễn Văn Thương quyết định tham gia cách mạng. Năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định). Sau đó, Nguyễn Văn Thương được chuyển sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Mười Nho (đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn) .
Ông Nguyễn Văn Thương trong thời gian hoạt động trong lòng địch
Trong 10 năm hoạt động chiến đấu từ năm 1959 đến tháng 2.1969 Nguyễn Văn Thương được giao nhiệm vụ giao liên tình báo ở khu vực Bắc Sài Gòn (Sài Gòn - Bến Cát - Bình Dương) đây là thời điểm khó khăn, bởi quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa luôn tỏ ra thận trọng thường xuyên kiểm soát gắt gao trên tuyến hành lang xung yếu này. Nguyễn Văn Thương đã vượt qua khó khăn, gian khổ,và nguy hiểm, thực hiện hàng nghìn lần chuyển nhận chỉ thị, tài liệu và đưa đón hàng trăm cán bộ từ ngoài căn cứ vào trong Sài Gòn và từ Sài Gòn ra căn cứ an toàn.
Ngày 10/2/1969, trong lần trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, Nguyễn Văn Thương bị máy bay Mỹ phát hiện và chúng huy động lực lượng để truy bắt ông. Với tinh thần cảnh giác cao và quyết bảo vệ bí mật, ông đã cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt.
Ý chí thép trong lòng địch
Với những điều đã biết về ông, kẻ thù bắt đầu dùng đủ mọi chiến thuật để moi bí mật từ miệng ông. Bắt đầu là một đợt tra tấn bằng cây sắt săm hầm, lưỡi lê vào bắp chân, nhưng từ bọn tình báo đến bọn chiêu hồi đã biết rõ họ tên và hoạt động của ông, đều bất lực vì ông phủ nhận tất cả. Sau nhiều lần mua chuộc không thành, quân đội Mỹ đã đưa Nguyễn Văn Thương ra đập nát hai bàn chân. Chỉ trong 3 tháng, họ 6 lần cưa 6 đoạn chân của ông.
Hơn 4 năm trong các nhà tù Nguyễn Văn Thương bị tra tấn đủ mọi cực hình nhưng vẫn một mực trung kiên, giữ vững khí tiết. Khi ở trại giam đảo Phú Quốc ông vẫn tiếp tục đấu tranh, tham gia trong cấp ủy nhà tù. Tấm gương bất khuất, kiên cường của ông đã cổ vũ đồng chí, đồng đội trong nhà tù tích cực hăng hái đấu tranh.
Trong khoảng thời gian ác liệt của mình, Nguyễn Trường Hân (cái tên mà thiếu tá Nguyễn Văn Thương tự “đặt” ra để che dấu bí mật cách mạng). Cái tên Nguyễn Trường Hân gắn liền với lí lịch: thanh niên trốn lính, quê ở Bình Dương, gia đình không còn ai, mù chữ,… để qua mặt kẻ thù. Trong hoàn cảnh ấy, công việc của một chiến sĩ tình báo tuy thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm mà bản thân đồng chí Nguyễn Văn Thương là mũi trưởng mũi giao liên đơn vị tình báo J22 - ở các cụm tình báo A18, A20, A22, A36. Trong các mũi giao liên quan trọng này, chú nhận nhiệm vụ chuyển những tin tức tình báo quan trọng do người của ta lấy được từ sào huyệt của chính quyền ngụy và CIA Mỹ ở Sài Gòn. Đó là bản danh sách các điệp viên CIA Mỹ cài vào các cơ quan của ta để hoạt động và phá hoại, chúng ngấm ngầm cài mìn, đặt bom ngăn cản xe vận tải quân sự chuyển vũ khí, lương thực chạy vào Nam gây thiệt hại, mất mát về người và của cho quân đội ta.
Ông Nguyễn Văn Thương cùng vợ con
Người sáu lần bị CIA Mỹ cưa chân, hàng chục lần bị tra tấn dã man, đến ngày thống nhất đất nước, thân thể ông đã không còn nguyên vẹn. Thế nhưng ông vẫn sống với một niềm tin sắt đá vào lý tưởng mà mình đã theo. Ngay cả kẻ thù cũng phải thốt lên rằng: “Ôi, một sinh vật bằng thép! Chúng tôi thua ông.”
Trở về trong chiến thắng
100 ngày tại ngôi biệt thự với những “săn sóc” có mục đích của nữ tình báo Ngụy Thùy Dương đã không làm lung lay được ý chí gan dạ, đanh thép của Nguyễn Văn Thương. Những đòn cân não, chiến tranh tâm lí ấy không thể khuất phục một con người như thế.
Càng đau đớn thì người tù chính trị càng gan thép vùi mọi bí mất ấy vào những cơn mê sảng, những cơn đau cắt da, cắt thịt. “Thân sống chỉ còn một nửa ấy” lại tiếp tục đấu tranh trong trại giam Hố Nai, tiếp tục viết truyền đơn, rồi lại bị giam trong “biệt thự” thùng sắt đến 3 tháng, sau đó bị chuyển về trại giam Phú Quốc. Gặp lại những đồng chí anh em bị giam cầm, Nguyễn Văn Thương như tiếp thêm sức lực tinh thần, tiếp tục đấu tranh không khai báo để vệ lực lượng điệp viên đang hoạt động trong lòng địch.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Nguyễn Văn Thương mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Được trở về với tổ chức cùng niềm vui chiến thắng, Ông cảm nhận mình đã được quá nhiều, anh thấy mình là người hạnh phúc nhất.
Cuốn sách viết về chuỗi ngày hoạt động của ông do Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản
Sống cuộc đời giản dị
Trở về với cuộc sống đời thường sau những tháng năm cam go nhất của cuộc chiến tranh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương thường được mời đi nói chuyện cho các thanh niên, học sinh, sinh viên các trường trong các giờ ngoại khóa hay những buổi sinh hoạt tại Nhà văn hóa.
Cuộc sống bình dị của vợ chồng Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Thương
Trải qua tất cả những gì được gọi là khốc liệt nhất của chiến tranh, và một phần minh chứng cho sự ác liệt ấy chính là ông đã mất đi đôi chân của mình. Nhưng không vì vậy mà ông chịu chấp nhận số phận. Ông vẫn đi, đi bằng đôi chân giả, bằng đôi nạng, bằng xe lăn và đi bằng chính nghị lực, ý chí và tinh thần phục vụ cách mạng không biết mệt mỏi. Ông không từ chối một lời mời đi nói chuyện nào vì đó là một sự thật lịch sử, một con người lịch sử. Một con người bằng xương, bằng thịt đang hiển hiện trước chúng ta về một thời đấu tranh khốc liệt vì độc lập, tư do, thống nhất đất nước.
Ông vẫn thường xuyên đến nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ
Có lần, trước câu hỏi: "Sự hy sinh của ông đã quá nhiều. Giữa được và mất cho đến hôm nay, ông thấy mình được gì?". Với nụ cười hiền hậu, chất phác Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương trả lời: "Mất đã quá nhiều. Tôi chỉ là người may mắn sống khi rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Nhưng điều được lớn nhất là Tổ quốc".
Và hôm nay, ông đã vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng ở tuổi 80. Ông đã không đợi được đến tháng 9/2019, đúng 50 năm ngày ông bị bắt, tù đày và sống, chiến đấu ngoan cường trong lòng địch. Suốt cuộc đời, lúc nào ông cũng đặt ra cho mình một câu hỏi: “Mình đã làm gì cho Cách mạng? Và anh không bao giờ đòi hòi Cách mạng đã cho mình những gì”. Chỉ đơn giản, vì ông là người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vĩnh biệt ông, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương!
Minh Thảo