(QK7 Online) - Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào miền Nam, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia. Con đường này được bộ đội ta sử dụng để vận chuyển con người, lương thực và vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam trong suốt 16 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ 1959 - 1975, làm nên một huyền thoại về nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Năm 1959, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, đòi hỏi rất lớn về vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh. Để tăng cường chi viện cho miền Nam, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định xây dựng tuyến đường chiến lược qua dãy Trường Sơn. Binh đoàn Trường Sơn, còn gọi là Đoàn 559 được thành lập, được giao nhiệm vụ triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này.
Trong 16 năm tồn tại, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn khoảng 120.000 người đã làm nên hệ thống đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống ngầm.
Bộ đội Trường Sơn "Mở đường mà tiến"
Để phá hoại tuyến đường này, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...
Quân đội Mỹ còn triển khai một hệ thống điện tử hiện đại, gọi là Hàng rào điện tử McNamara để giúp hướng dẫn máy bay ném bom và phát hiện các hoạt động của bộ đội ta trên tuyến đường này. Ngoài ra, Mỹ còn rải chất độc dioxin (hay còn gọi là chất độc màu da cam) cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác để làm trụi lá cây trên đường Trường Sơn, cùng các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để triệt phá con đường chi viện của ta.
Hàng rào điện tử McNamara của quân Mỹ
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã có 5 năm gắn bó với tuyến lửa Trường Sơn. Tháng 5 năm 1971, từ Quân chủng Phòng không-Không quân, ông được điều về làm Phó Tư lệnh Đoàn 559. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của bộ đội Trường Sơn, bởi vì đế quốc Mỹ tăng cường các lực lượng đánh phá con đường chiến lược chi viện Bắc-Nam.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy với kỷ vật Trường Sơn (chiếc bình toong đựng nước)
Nhớ lại giai đoạn ác liệt đó, Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể: “Năm 1971 - 1972, khi tôi làm chỉ huy tuyến Tây Trường Sơn là giai đoạn khó khăn nhất của bộ đội Trường Sơn, bởi lúc này Mỹ đưa máy bay AC130 (cải tiến từ máy bay C130) vào bắn phá ta. Đây là loại máy bay vận tải cải tiến thành máy bay chiến đấu, trên đó có cài hệ thống tự động phát hiện mục tiêu bằng khuyếch đại ánh sáng mờ vào ban đêm và tia hồng ngoại. Khi xe của ta nổ máy thì ngay lập tức bị phát hiện và bị xạ kích tự động, trúng ngay đầu xe. Ở những khu vực trọng điểm, máy bay AC130 của địch liên tục lượn vòng ở độ cao trên 3.000 m. Trong khi đó súng cao xạ của ta chỉ bắn được ở độ cao tối đa 3.000 m, do đó, trong giai đoạn đầu xe ta bị tổn thất rất nặng”.
Những đoàn xe vượt Trường Sơn chở người và vũ khí, trang bị, vào chi viện cho chiến trường miền Nam
Trầm ngâm trong giây lát tưởng nhớ về sự hy sinh của đồng đội, Thiếu tướng Phan Khắc Hy ánh lên niềm vui trong đáy mắt: “Cái khó ló cái khôn, đi ban đêm thì bị AC130 đánh, vậy thì ta chuyển sang đi ban ngày, AC130 coi như mù vì chúng chủ yếu phát hiện mục tiêu vào ban đêm. Sau khi thống nhất phương án, chúng tôi lại suy nghĩ phải làm sao đi ban ngày mà không bị phát hiện? Họp bàn nhiều lần, chúng tôi nảy ra cách cho bộ đội ta làm giàn cây ngụy trang che mắt địch ở những khoảng trống không có tán cây che phủ. Như vậy là hình thành một con “đường kín” dưới tán rừng gần 1.000 km chạy dọc từ Bắc vào Nam và toàn bộ xe chuyển sang chạy vào ban ngày. Từ khi chuyển sang chạy ngày, sức chi viện của ta cho chiến trường cũng tăng lên. Nếu lúc trước một đêm chạy tối đa chỉ 130 km thì khi chạy ngày có thể chạy đến 400 km. Đây là thắng lợi lớn của ta trong nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay
Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nơi rừng sâu núi thẳm và sự đánh phá ác liệt của Mỹ-ngụy đã không làm khuất phục những con người quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bằng tài năng và sự mưu trí, dũng cảm, bộ đội Trường Sơn đã “vô hiệu hóa” các loại vũ khí của địch, kiên quyết bám trụ, giành giật từng thước đường, cho dù “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”. Với những chiến công to lớn ấy, đường Trường Sơn đã trở thành huyền thoại - một huyền thoại về sức chịu đựng và tinh thần - ý chí bất khuất, chiến đấu ngoan cường của “Bộ đội Trường Sơn”, mãi đi vào lịch sử giữ nước của dân tộc ta về một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thu Cúc