Từ nhỏ, ông được gửi vào trường Đạo đức học đường thuộc phạm vi quản lý của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Tháng 5 năm 1959, Nguyễn Văn Thương tham gia cách mạng. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là mang thư từ, điện báo từ Tây Ninh xuống Long Khánh (Đồng Nai) và rải truyền đơn trong đồn điền cao su.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Thương
Trong vai người bán bánh mì Tư Hiếu (bí danh của Nguyễn Văn Thương), ông hoạt động tình báo ở khu vực miền Đông Nam Bộ, từ Tây Ninh tới Bình Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) và Sài Gòn. Ông tham gia các mũi giao thông của Cụm tình báo A18, A20, A22 và A36. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển về tin tức từ các điệp viên mà ta cài cắm sâu trong chính quyền Sài Gòn của ông Ba Quốc (Thiếu tướng, AHLLVTND Đặng Trần Đức), Hai Nhạ (Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), Hai Trung (Thiếu tướng, AHLLVTND Phạm Xuân Ẩn),… về Trung ương Cục miền Nam. Suốt thời gian hoạt động, ông đã chuyển 900 tin tình báo về chiến khu an toàn, từ đó, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng có những sách lược, chủ trương kịp thời đánh địch.
Ngày 10/2/1969, trong lần chuyển tài liệu từ Sài Gòn ra căn cứ, ông gặp phải một tốp địch đang đi càn. Vũ khí duy nhất là khẩu súng ngắn K54, ông giấu tài liệu vào chỗ bí mật và kiên quyết chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nhưng lực lượng quá chênh lệch, Nguyễn Văn Thương bị địch bắt.
CIA (Cơ quan tình báo Hoa Kỳ) quyết khai thác ông bằng mọi cách để tìm ra đường dây liên lạc tình báo và các điệp viên của ta trong hàng ngũ địch. Chúng tra tấn dã man, dùng tiền, địa vị,… hòng mua chuộc. Khi không khuất phục được ý chí của người chiến sĩ tình báo, chúng ra lệnh cưa chân ông tới sáu lần khiến cả hai chân cụt gần đến háng nhưng ông vẫn không khai nửa lời. Tinh thần bất khuất, kiên trung của Nguyễn Văn Thương đã trở thành tấm gương sáng cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
Ngày 14/2/1973, Nguyễn Văn Thương được trở về theo quy định của Hiệp định Paris. Lúc này ông mới biết các tài liệu mật mà mình cất giấu trước khi bị địch bắt đã được tổ chức của ta tìm lại ngay sau đó. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại giúp cơ quan tình báo nhận diện những tên mật vụ, gián điệp của Mỹ - ngụy còn ẩn tích, góp phần không nhỏ vào an ninh của đất nước thời hậu chiến. Đến nay, dù đôi chân cụt cùng hàng trăm vết thương do địch tra tấn khiến ông đau nhức nhưng đôi mắt ông vẫn sáng ngời tình yêu Tổ quốc. Ông thường xuyên tham dự các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống, truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ của đất nước.
Với những đóng góp của mình, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3, 14 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 2 lần là Chiến sĩ Thi đua, 24 lần được tặng Bằng, Giấy khen. Ngày 6/11/1978, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.