Chiều 24/2, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 ở mức 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: TTXVN
Theo TTXVN, phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cơ bản nhất trí với 10 giải pháp chiến lược mà Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nêu.
Tổng Bí thư gợi mở một số nội dung cụ thể để Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế tiếp tục nghiên cứu; trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế cả từ phía cung và phía cầu, đẩy mạnh tháo gỡ rào cản, nút thắt, “điểm nghẽn” để kinh tế phát triển, đặc biệt quan tâm kinh tế tư nhân.
Ông khẳng định rằng, để kinh tế – xã hội phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là huy động toàn bộ người dân tham gia lao động, từ đó tạo ra của cải vật chất. Khi mọi người, mọi hộ gia đình và tất cả các thành phần kinh tế đều hăng say lao động, tăng trưởng kinh tế tự nhiên sẽ vượt trội. Vì vậy, xây dựng các chính sách và cơ chế để mọi thành phần kinh tế hưởng ứng tham gia là điều đặc biệt quan trọng.
Đối với cải cách từ phía cung, Tổng Bí thư cho rằng cần tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, cần phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí hải quan, chi phí tuân thủ quy định và chi phí không chính thức, cùng với việc bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Mục tiêu là trong vòng 2-3 năm, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ nằm trong Top 3 của ASEAN.
Về chính sách đất đai và bất động sản, cần tăng tốc giao dịch bất động sản, thu hút vốn vào thị trường. Thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia.
Để làm được điều này, ông đề cập đến việc thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Cùng với đó, nhà điều hành cần tính tới các giải pháp khác như hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đồng bộ cho đô thị, xây dựng hệ thống bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất.
Tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Ban Bí thư chỉ thị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững; mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và từ nguồn vốn nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầutư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Vào năm 2023, Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 581.218 căn. Trong đó, có 96 dự án hoàn thành với quy mô 57.652 căn; 135 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 115.630 căn; 414 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 407.936 căn.
Phương Vy