Hơn 40 năm qua, thương binh hạng 3/4 Đỗ Thị Thanh Thu ở phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh không chỉ tần tảo nuôi con bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện xây dựng khu phố nghĩa tình.
Tại Chương trình giao lưu “Cùng thương binh vượt khó” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, câu chuyện của nữ bác sĩ, thương binh hạng 3/4 Đỗ Thị Thanh Thu, 82 tuổi làm nhiều người cảm động. Nghị lực, sự thủy chung, tình yêu thương đồng đội là tất cả sự cảm nhận của mọi người có mặt tại chương trình giao lưu thông qua câu chuyện của nữ bác sĩ, thương binh Đỗ Thị Thanh Thu. Bằng giọng rưng rưng xúc động, bà Thu tâm sự: "Trước đây khi còn trẻ, công việc khó khăn, vất vả đến đâu tôi cũng làm được. Nhưng những năm gần đây, vết thương thường xuyên tái phát nên việc chăm sóc đứa con bị di chứng chất độc da cam càng khó khăn, vất vả hơn. Không ít ngày bị đổ bệnh, tôi vẫn phải gắng gượng chuẩn bị cơm nước, giặt quần áo, vệ sinh... cho con. Có ngày mệt quá, hai mẹ con chủ yếu nằm trên giường và ăn mì tôm, cháo loãng qua ngày. Những lúc như vậy, tôi lại tự động viên mình phải cố gắng vượt qua…".
Bà Thu (thứ hai, từ trái sang) tại Chương trình giao lưu “Cùng thương binh vượt khó”.
Quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từ khi còn học phổ thông, Đỗ Thị Thanh Thu đã tình nguyện làm liên lạc cho các ban, ngành ở địa phương. Gan dạ, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, năm 1960, Đỗ Thị Thanh Thu được tuyển chọn vào Đội Biệt động Sài Gòn, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Nguy hiểm, gian khổ nhưng cô đều mưu trí gan dạ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1965, Đỗ Thị Thanh Thu được chuyển về công tác tại Trung ương Cục miền Nam, đóng tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, cô nên duyên cùng anh Hà Đức Trọng, là đồng đội. Chiến trường ác liệt, hai người vừa tích cực chiến đấu, vừa xây dựng tổ ấm gia đình. Chiến tranh ác liệt, hạnh phúc không như mong đợi, bà Thu phải gánh chịu liên tiếp nỗi bất hạnh. Hai con trai của bà lần lượt sinh ra đều bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin. Người con đầu sống trong đau đớn bệnh tật đến năm 16 tuổi, còn người con thứ hai dù năm nay đã 40 tuổi nhưng bà vẫn phải chăm sóc như một đứa trẻ.
Tham gia chiến đấu đến năm 1975, bà chuyển về công tác tại Quân y viện 175 (nay là Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng). Rời quân ngũ năm 1993, sống nơi thị thành, lương hưu ít ỏi, tuổi cao, lại nuôi con bị di chứng chất độc da cam khiến cuộc sống gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc chăm sóc con mỗi ngày, bà Thu lại miệt mài làm bánh cam, rồi đạp xe đi khắp phố phường để bán. Sống hết mình vì mọi người, mặc dù thu nhập chẳng là bao, nhưng mỗi ngày bà đều tiết kiệm tiền bán bánh, tiền lương để hỗ trợ những đồng đội còn khó khăn hơn, góp phần tri ân những gia đình người có công.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phòng ở phường 5, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, là cơ sở nuôi giấu các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong kháng chiến. Bà Phòng ở độc thân, không có chồng, con, cuộc sống vất vả trăm bề. Biết hoàn cảnh của bà Phòng, bà Thu tự nguyện hỗ trợ nuôi dưỡng bà từ năm 1994 đến hết đời. Còn thương binh Nguyễn Văn Hải, ngụ phường 4, quận Tân Bình có hoàn cảnh khó khăn, bà Thu cũng tự nguyện hỗ trợ gần 1 triệu đồng/tháng. Đó là hai trong số nhiều đồng đội khó khăn được bà Thu tiết kiệm lương, tiền làm bánh để hỗ trợ. Từ năm 2001 đến 2008, bà còn tự nguyện trao mỗi năm 1 suất học bổng trị giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tặng con thương binh, con đồng đội gặp khó khăn trên địa bàn phường…
Đặc biệt, từ năm 1996 đến 2011, bà Thu được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố 7, phường 12, quận Tân Bình; là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến phường. Với tấm lòng bao dung, sống nghĩa tình, mỗi năm, bà tiết kiệm lương, đóng góp và vận động mọi người trao 250-300 suất quà (mỗi suất 500.000 đến 1 triệu đồng) tặng các đồng đội, người nghèo, gia đình người có công. Bà cũng luôn gần gũi mọi người, kịp thời nắm bắt tâm tư của bà con, tận tâm đề xuất, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc. Các con hẻm trong khu phố bị ô nhiễm, xuống cấp, bà gương mẫu đóng góp, đồng thời tích cực vận động mọi người cùng làm, góp phần xây dựng khu phố văn minh, nghĩa tình. Liên tục nhiều năm, chi bộ khu phố đạt trong sạch vững mạnh. Bà Thu tâm sự: “Những việc làm của tôi để tỏ lòng tri ân đồng đội, xây dựng khu phố nghĩa tình, góp phần để những người không may mắn như con trai tôi và đồng đội nghèo luôn được sống trong vòng tay thương yêu của mọi người”.
Bài và ảnh: DUY NGUYỄN
Nguồn: qdnd.vn