(QK7 Online) - Sáng ngày 20/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Chính trị QĐNDVN tổ chức Hội thảo khoa học “Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường”. Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì hội thảo.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo khoa học.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ tài nguyên và Môi trường; các tướng lĩnh; nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Quân khu 7 dự hội thảo khoa học có Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu; Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh Quân khu; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân khu 7.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu khai mạc hội thảo.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, đã và đang được triển khai sâu rộng ở các đơn vị trong toàn quân. Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã có nhiều giải pháp sáng tạo, việc làm thiết thực, hiệu quả trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Có thể kể đến như: xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bom mìn tồn lưu sau chiến tranh; tham gia phòng, chống ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; phòng chống cháy rừng; phòng chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19; đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng; trồng rừng….Với nguồn lực về con người và tiềm lực về khoa học – công nghệ, quân đội đã có nhiều giải pháp lưỡng dụng, vừa phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa hỗ trợ nhân dân trong bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Năm 2022, toàn quân phấn đấu trồng khoảng 3,3 triệu cây phân tán, gần 2.500ha rừng. Thông qua các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, Quân đội đã từng bước phục hồi hệ sinh thái tại nhiều nơi bị ô nhiễm bom mìn và chất độc hóa học. Những thông tin về bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường biển được đăng tải phổ biến trên báo chí, mạng thông tin nội bộ, thư viện trong và ngoài quân đội, góp phần làm thay đổi suy nghĩ, nâng cao nhận thức của nhiều người trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội phát biểu tham luận tại hội thảo.
59 bài tham luận phục vụ chương trình hội thảo có nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới về những tác động, ảnh hưởng của môi trường, biến đổi khí hậu đến mọi mặt của đời sống xã hội và trong các cơ quan, đơn vị quân đội. Tuy cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khác nhau, song các tham luận đều thống nhất: Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường là khách quan, cấp thiết, có vị trí đặc biệt quan trọng đến mọi hoạt động quân sự, quốc phòng và sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, quá trình hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo.
Kết luận hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục sự cố môi trường, coi đây là nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình của quân đội. Các đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và từng cơ quan, đơn vị, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường, góp phần xây dựng và phát triển đất nước theo hướng nhanh, bền vững.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xác định cơ chế phối hợp, tham gia xử lý các tình huống về môi trường. Chủ động phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương tập trung xử lý hóa chất tồn lưu sau chiến tranh, các sự cố hóa học, chất phóng xạ, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, bảo đảm an toàn cho hoạt động của bộ đội và làm ăn, sinh sống của nhân dân trên các địa bàn còn ảnh hưởng.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm
Thế Anh