Vợ chồng ông bà Nguyễn Trọng Xuất và Trần Thị Ngọc Sương trước căn nhà số 51/10/14 Cao Thắng
Trong 3 năm hoạt động tại sào huyệt địch là “thủ đô” Sài Gòn, Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ vừa chỉ đạo phong trào chung Nam Bộ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, vừa trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh với địch trên trận địa báo chí công khai. Lực lượng nhà báo từ chiến khu ra kết hợp với các nhà báo tiến bộ viết bài hướng dẫn dư luận trên báo chí Sài Gòn đấu tranh chống địch. Tại ngôi nhà này vẫn còn lưu giữ chiếc ra-đi-ô của Ban tuyên huấn dùng để nhận sự chỉ đạo của Trung ương và cung cấp tin tức cho lãnh đạo…
Từ năm 1957 đến 1960, địa chỉ này là cơ sở hoạt động của Ban cán sự Đảng thị xã Mỹ Tho (Tiền Giang). Từ năm 1964 đến 1975, “địa chỉ đỏ” phục vụ công tác nhiều mặt của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Đầu năm 1961, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo ông Sáu Nhân vào khu giải phóng, tham gia Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh. Bà Trần Thị Ngọc Sương cùng 6 con nhỏ ở lại thành phố tiếp tục dùng cơ sở này để phục vụ cho các nhiệm vụ cách mạng. Bà Sương cùng các chị trong Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn-Gia Định bí mật may cờ, biểu ngữ, đào hầm giấu vũ khí sau khi sử dụng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây cũng là nơi tập trung tài liệu báo chí để bà Sương (lúc đó là nhân viên Bưu điện Sài Gòn) bí mật chuyển đến phái đoàn ta trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Paris (từ năm 1969 đến 1973).
Sự mưu trí, dũng cảm của người làm công tác phụ vận đã giúp bà Sương đảm đương chu toàn gia đình với sáu người con trong cảnh xa chồng. Dưới danh nghĩa là cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Tiền Giang, bà Sương vừa tạo nguồn thu để nuôi các con ăn học, vừa tạo vỏ bọc cho hoạt động cách mạng bí mật. Khi trò chuyện với chúng tôi, nhắc lại quãng thời gian vợ chồng chia ly, ông Sáu Nhân mắt đỏ hoe, kể lại: “Tôi vô cùng quý trọng vợ vì bà ấy vừa nuôi con, vừa hoạt động cách mạng, lại bị tù đày mà lòng không lay chuyển. Năm 1971, tôi đọc được mẩu tin trên báo mới biết vợ bị bắt vào trại giam Thủ Đức. Vì nhiệm vụ, khi đó tôi là Phó thường trực Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đang đóng tại Trà Vinh nên không về thăm vợ được. Hai con trai lớn (học trường Nguyễn Văn Trỗi – chiến khu Dương Minh Châu) thay cha lo cho mẹ. Bốn con nhỏ may nhờ được bà con xóm Bàn Cờ (Q.3) đùm bọc, nuôi dưỡng”.
Điều chúng tôi rất khâm phục, đó là trong suốt thời gian dài (21 năm), “địa chỉ đỏ” Cao Thắng vẫn luôn đảm bảo tính bí mật, an toàn mặc dù nằm ngày giữa sào huyệt địch. Theo ông Sáu Nhân, yếu tố quyết định hàng đầu cho thắng lợi này chính là lòng yêu nước nồng nàn; tinh thần kiên cường chống kẻ thù xâm lược; sự sáng tạo, mưu trí của các đồng chí quản lý “địa chỉ đỏ” và vai trò quan trọng của nhân dân khu Bàn Cờ đã trở thành “căn cứ nhân tâm” của cách mạng. Nếu không có “căn cứ nhân tâm” đó thì không địa chỉ đỏ nào, không vùng lõm chính trị nào có thể tồn tại trong lòng địch.