(QK7 Online) - Mã Đà là một xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng bậc nhất của miền Đông Nam Bộ. Ngày nay, vùng đất anh hùng, có bề dày truyền thống cách mạng, từng trải qua cảnh mưa bom, bão đạn thời chiến tranh, đang vươn mình thay gia đổi thịt, vượt qua những khó khăn thách thức ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Kỳ 1: “Mã Đà sơn cước” – Vùng đất huyền thoại
Một ngày đầu tháng 10, từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, vượt hơn 80 km về phía Bắc theo Quốc lộ 1A, sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến với Khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ - “Chiến khu Đ”, tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Mã Đà nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, nơi từng đi vào thi ca “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Dưới tán cây rừng cổ thụ, không khí trong lành, Trung tá Trần Văn Chương, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Vĩnh Cửu niềm nở đón chúng tôi khi xe vừa đến. Trên chuyến đi, câu chuyện về vùng đất “Mã Đà sơn cước” được tái hiện qua lời kể của Trung tá Trần Văn Chương.
Du khách tham quan Khu ủy Miền Đông. Ảnh: Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai.
Chiến khu Đ là tên gọi tắt chỉ Mật khu căn cứ, nơi ra đời các LLVT miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược. Hơn 50 năm về trước, trong kháng chiến chống Mỹ, sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tình hình và cục diện đấu tranh cách mạng ở miền Nam chuyển biến rất nhanh, từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III quyết định giải thể Xứ ủy Nam Bộ và thành lập Trung ương Cục miền Nam có căn cứ địa ở Chiến khu Đ, trung tâm đặt tại rừng Mã Đà (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Đây là nơi đứng chân xây dựng các cơ quan đầu não, xây dựng lực lượng kháng chiến và truyền tải những chỉ đạo của cách mạng miền Nam.
Theo đó, ngày 10/10/1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam diễn ra tại Mã Đà dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đã xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo; 12 cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Trung ương Cục. Nơi “rừng thiêng nước độc” này lúc bấy giờ chỉ có đường mòn đi bộ, không có đường ôtô, đi lại rất khó khăn, thực dân Pháp rồi Mỹ có phương tiện chiến tranh hiện đại nhưng cũng rất khó đổ quân xuống đánh chiếm Mã Đà. Nói về vị trí, tầm quan trọng của khu căn cứ này trong chiến tranh, giới nghiên cứu quân sự Mỹ từng đánh giá: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.
Phía trong khu vực nhà truyền thống di tích căn cứ Trung ương Cục Miền Nam
(1961-1962).
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông, từ Chiến khu Đ các lực lượng quân giải phóng đã lập nên những chiến công có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến trường đi đến thắng lợi cuối cùng như Chiến dịch Bình Giã (1964-1965); Đồng Xoài (1965); Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà – Trung tá Trần Văn Chương cho biết thêm.
Sau khi tham quan tìm hiểu khu đài tưởng niệm và nhà bia trong khu căn cứ Mã Đà, chúng tôi tham quan và thắp hương tại khu nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà. Được biết, khu nghĩa trang này được người dân địa phương gọi là “Nghĩa trang không bia mộ”, bởi tại đây có 70 phần mộ liệt sĩ nhưng chỉ có 5 ngôi mộ là có tên. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi đây đang chứa hàng ngàn hài cốt các liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1962, sau khi cơ quan Trung ương Cục miền Nam chuyển lên Tây Ninh thì căn cứ Mã Đà là nơi đứng chân của quân y viện K72 (Bệnh xá K72 - Bệnh viện dã chiến của Trung ương Cục miền Nam) và quân chủ lực miền, trong đó có Sư đoàn 9 là sư đoàn chủ lực. Chỉ tính riêng Sư đoàn 9, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có khoảng 12 vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khu vực khoảng 2 ha của rừng Mã Đà này. Ngoài ra, tại Bệnh xá K72, những thương bệnh binh, trong đó nhiều người bị sốt rét ác tính không qua khỏi và nhiều chiến sĩ hy sinh trên khắp các mặt trận miền Đông Nam Bộ đều được đồng đội đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà.
Do hết trận đánh này đến trận đánh khác, người này hy sinh đến người khác ngã xuống tại căn cứ Mã Đà nên hầu hết các phần mộ đều không có bia ghi họ tên, địa chỉ liệt sĩ; có chăng chỉ khắc tên, địa chỉ vào khúc gỗ rồi cắm xuống, nhưng bom đạn cày đi xới lại, cùng với thời gian và những biến cố của thiên tai nên cũng dần xóa hết những dấu tích về các liệt sĩ. Bởi vậy, nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà không chỉ thờ cúng, tri ân 70 liệt sĩ mà nơi đây còn là nghĩa trang chung ghi công hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây.
Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ trong hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đối với nhân dân cả nước, ngày nay, Chiến khu Đ không đơn thuần là một địa danh lịch sử mà là một biểu tượng hào hùng của đất nước Việt Nam, một Việt Bắc của Nam bộ thành đồng Tổ quốc. Từ lâu, Mã Đà đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, sự hy sinh xương máu của lớp lớp các thế hệ cha ông trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước trước đây cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
GIA TÚ
Xem tiếp kỳ 2: Đổi thay Mã Đà.