Thời kỳ Pháp thuộc, ông đi học, đến hết năm thứ 3 trường Trung học Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn), ông chuyển sang học trường vẽ Gia Định. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
Tháng 8-1945, ông tham gia đoàn thanh niên tiền phong, vào Ban Hội họa thành Sài Gòn, Chợ Lớn, sau đó làm việc tại Ban Tuyên truyền lưu động Nam bộ.
Năm 1946, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông nhập ngũ tại Ban Quân sự Nam bộ. Năm 1947 - 1948, ông công tác tại phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Nam bộ, chức vụ Tiểu đội trưởng. Năm 1949 - 1950, ông chuyển đến công tác ở Ban Công binh, chức vụ Đại đội phó. Trong những năm 1951 - 1954, ông công tác ở tỉnh đội Long Châu Sa, trong Ban Tham mưu rồi tham gia Đội Đặc công, sau đó tham gia công tác, học tập và sản xuất ở Trường Quân chính Phân Liên khu miền Đông. Tháng 6/1954, ông về Khu 9 trị bệnh, trên đường đi ông bị địch bắt ở gần Hồng Ngự, bị giam qua các nhà lao Châu Đốc, Chí Hòa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông được trao trả vào tháng 10/1955, về Trung đoàn 55.
Ông tập kết ra Bắc, tham gia học tập, chỉnh huấn và chuyển về Ty Thương binh Nam Định.
Từ tháng 7/1956, ông học lớp y tá điện quang tại Viện chống Lao và công tác tại Viện chống lao Trung ương. Phần nhận xét về lý lịch của ông trong thời gian công tác tại Viện Chống lao Trung ương ngày 5/2/1964, có chữ ký và đóng dấu của Viện phó, có đoạn “có khả năng công tác, có trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật... Rất tha thiết với công tác B”. Đó là một minh chứng về tinh thần lao động, làm việc của ông, hơn hết, chính là sự thể hiện nguyện vọng của ông trước tình hình đất nước, trước yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, là nguyện vọng chính đáng, tiêu biểu cho lớp cán bộ cách mạng bấy giờ.
Với nỗ lực học tập, công tác, lao động, ông được chuẩn y kết nạp Đảng ngày 7/4/1964. Đó là một niềm vinh dự lớn của ông và cũng khẳng định cho quá trình đóng góp của ông đối với sự nghiệp không chỉ của ngành Y tế, mà còn đối với Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam.
Một năm sau ngày được kết nạp Đảng, nguyện vọng tha thiết của ông đã thành hiện thực. Ông trở về Nam - đi B, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từng trang lý lịch, thẻ cán bộ, đơn xin vào Đảng cùng những giấy tờ cá nhân ông gửi lại trước khi lên đường, không chỉ là một phần ký ức về ông, về tinh thần cách mạng, tình yêu nước của ông thời ấy mà còn là đại diện của lớp cán bộ thời ấy để đổi lấy hòa bình, độc lập hôm nay.