Bìa sách “Lính chiến”.
Cuốn sách gần 300 trang được cấu trúc thành 7 chương, mở đầu bằng mốc thời gian ông chia tay Quân khu 7 làm Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Chương một viết về giai đoạn ông nhập ngũ, được biên chế vào bộ đội đặc công, đi Nam chiến đấu cho tới ngày thống nhất. Chương hai quay về với làng quê và tuổi thơ, nơi cậu học trò nghèo đi học, phụ bố mẹ lo toan cuộc sống đầy ắp buồn vui, hồn nhiên và nghịch ngợm. Chương ba viết về chiến tranh biên giới cùng nhiệm vụ đặc biệt luồn sâu, móc nối với lực lượng quân đội Khmer đỏ ly khai. Chương bốn là trọn vẹn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, chiến đấu trên đất bạn cho tới ngày chỉ huy rút quân lần thứ 8, Quân tình nguyện Việt Nam về nước. Chương năm nói về thời gian ông đi học tại Học viện Voroshilov tại Liên Xô và Học viện Quân sự cấp cao dành cho sĩ quan cấp sư đoàn trở lên. Chương sáu mang tên Sở Chỉ huy viết về quãng thời gian dài nhất, gần 20 năm ông gắn bó với Sư đoàn 5 trong cương vị Sư đoàn trưởng, rồi chuyển về Quân khu 7, dần từ cương vị Tham mưu phó Quân khu, rồi Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng và Tư lệnh Quân khu 7. Chương bảy, khi ông về một ban Đảng, làm việc vì một Tây Nguyên bình yên, trước khi về hưu.
Cuộc đời Trung tướng Triệu Xuân Hòa, trọn 40 năm binh nghiệp lần lượt từ Binh nhì cho đến Trung tướng không bỏ qua một cấp bậc nào, có 3.913 ngày đêm là thời gian của 10 năm, 8 tháng, 23 ngày trực tiếp chiến đấu với vô vàn những gian khổ, khốc liệt của chiến tranh khi bữa cơm lính đặc công chỉ gạo sấy ngâm nước lã, là máu đồng đội đổ trên vai ướt đầm quân phục, với 3 lần bị thương nhẹ với những lần cận kề cái chết không đếm được. Trải qua chặng cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, trọn vẹn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế chiến đấu trên đất Campuchia, trở về làm người chỉ huy củng cố, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong thời bình, rồi làm Tư lệnh, lãnh đạo Quân khu 7 thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, sự nghiệp của ông được ông tạo ra, bằng bản năng, nhiệt huyết và lòng trung thành, sự trung thực của một người lính. Ông cũng như mỗi chúng ta, sinh ra không phải để làm một người lính, nhưng ông chọn cho mình con đường làm người lính chiến đấu vì dân tộc, ngay cả khi ông về một ban Đảng, ông vẫn là người lính chiến đấu dù trong mặt trận khác, vì mảnh đất Tổ quốc bình yên.
Không cần sử dụng câu chữ cầu kỳ, bằng lối viết mạch lạc, diễn đạt đơn giản nhưng rõ ràng, tác giả Hồ Sơn Đài tạo nên hiệu quả tối đa khi truyền tải nội dung cuốn sách mà tự cuộc đời Trung tướng Triệu Xuân Hòa đã có rất nhiều điều đáng nói. Cuốn sách hấp dẫn bởi mỗi bước đi trong chặng đường đời của ông là một câu chuyện có nội dung cụ thể từng chi tiết, có những hồi hộp nghẹt thở của người ngay trong lằn ranh sống chết, có những suy tư, đưa ra quyết định của người chỉ huy phải cân nhắc công tư. Những câu chuyện của riêng ông, rất đời thường nhưng tác giả gắn được với những sự kiện lớn lao, nhiều khi liên quan đến vận mệnh đất nước và rộng hơn thế. Cuộc đời ông như cục pin đầy năng lượng, hoạt động liên tục, liên tục. Ông là người lính chiến hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của cụm từ này. Nhưng người lính trong con người ông không chỉ có cầm súng, mệnh lệnh mà có cả tình thương yêu với quê hương, bản quán, với cha mẹ, gia đình, với đồng đội cả trong chiến tranh gian khổ hay ngày hòa bình; với những mẹ, những chị, những em nơi ông từng chiến đấu, công tác suốt dọc miền đất nước mà như ông nói, họ không chỉ nuôi ông bằng cơm áo, họ còn cưu mang ông bằng tấm lòng ấm áp, bao dung.
Trong lời dẫn nhập, tác giả Hồ Sơn Đài khiêm tốn nói rằng: Tác giả đích thực của cuốn sách chính là Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Hồ Sơn Đài chỉ ghi âm, mở ra, ghép nối lại thành cuốn sách. Nhưng cách dựng lại lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời đoạn liền kề 2 thế kỷ, thông qua cuộc đời đầy ác liệt mà vinh quang của một con người, tác giả đã tạo nên một cuốn sách hay, đáng để chúng ta đọc từng trang, và trân trọng cất lên giá, giữ gìn như một vật quý.