Đành rằng thực hiện phải có lộ trình, hết sức thận trọng, rút kinh nghiệm rồi mới làm tiếp… Như tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công thương, rồi mới đây Bộ Công an đã làm, mà làm mạnh, kết quả bước đầu được đánh giá tốt. Dư luận rất đồng tình, hoan nghênh, tin tưởng. Trước tiên là giữa “Nói” và “Làm” không còn khoảng cách xa vời như một vị đại biểu từng nói trong cuộc họp Quốc hội năm rồi: “Con đường xa nhất của Việt Nam là con đường đi từ lời nói đến việc làm!”, lại mong sao tinh giảm bộ máy, sáp nhập cục này sở kia không dẫn tới điều trái khoáy như trước đây là biên chế nhân sự cứ phình to, ngân sách vẫn luôn bội chi. Ta có bài học rất không vui về tình trạng này.
Một số cơ quan được dự tính sáp nhập như Ban Dân vận và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội; ngành Tài chính và ngành Thuế… Như vậy một số người phải chuyển làm việc khác hoặc nghỉ việc, họ cần tự xác định. Phía tổ chức tất nhiên cần có chính sách thỏa đáng với họ. Lại có những người phải đảm đương một lúc nhiều chức trách khác nhau theo chủ trương: “Một việc chỉ có một cơ quan phụ trách; một người có thể làm nhiều việc khác nhau”. Nếu khả năng có hạn thì phải cố gắng học tập, trao dồi nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ.
Đảng và Nhà nước đang chiêu hiền đãi sĩ, mời gọi những tài năng vượt trội tham gia xây dựng đất nước. Đại bộ phận chúng ta không có tài năng vượt trội cũng cần phấn đấu để có những cống hiến trong công việc hàng ngày. Chúng ta thường nói “Mỗi người làm việc bằng hai”, “ít mà tinh” là với tinh thần như vậy.