Ngày 1 tháng 1 năm 2015, cô Tạ Thị Chung - Anh hùng Lao động là em gái của anh Sáu Khâm gọi điện cho tôi thông báo là anh Sáu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tôi mừng rơi nước mắt và mở trang nhật ký của mình để ghi lại hồi ức về anh.
Anh Sáu - Tạ Minh Khâm - tên anh đã thấm sâu trong lòng người và đất miền Đông gian lao và anh dũng. Biết tên anh qua các chiến lệ do anh chỉ huy trong chiến dịch đánh bại cuộc càn Gian-xơn xi-ty mà quân đội Mỹ tuyên bố sẽ đánh gãy xương sống Việt cộng trên chiến trường Tây Ninh - Bình Long. Đây là chiến dịch lớn nhất của quân đội Mỹ xâm lược trong cuộc chiến tranh cục bộ, cuộc đụng đầu lịch sử của 2 nền nghệ thuật quân sự mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ tôi đã gặp anh nhiều lần trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn BB9. Lúc này anh Sáu ở cơ quan Bộ Tham mưu miền. Sau 30-4-1975, tôi lại gặp anh nhiều lần hơn. đầu năm 1977, bọn phản động Pôn Pốt - Iêng xary dưới sự xúi giục của bọn phản động quốc tế tiến hành mở cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới nước ta. Lúc này tôi là Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng của tỉnh Tây Ninh bảo vệ biên giới. Anh Sáu lại xuất hiện trên chiến trường, tôi gặp anh và anh Năm Ngà. Cương vị của anh lúc này là Tham mưu trưởng tiền phương của Quân khu 7. Tôi dẫn anh đi thị sát chiến trường. Chỗ nào dừng lại anh đều lấy khăn lau nước mắt, tôi phải đưa thêm cho anh một cái khăn rằn truyền thống của dân Nam Bộ để anh quàng cổ, lau mồ hôi và thấm nước mắt. Đến Xóm Giữa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Anh hỏi tôi:
- Thổ có nhớ khu này không?
Tôi trả lời: Nhớ!
- Nhớ cái gì nhất? - Anh hỏi tôi.
Tôi nghĩ mãi mới nhớ ra là lúc đó anh “Ba Tô Đê” Tham mưu Phó sư đoàn đi điều nghiên căn cứ Mỹ ở Bàu Cỏ cùng chúng tôi và anh Ba về. Chỉ còn cách căn cứ của Bộ Tư Lệnh sư đoàn khoảng 300m, chúng tôi quay lại được khoảng 100m thì thấy súng nổ, tổ trinh sát quay lại thì nhìn thấy anh Ba chết và bị cắt đứt cuống họng. Được tin này, anh Sáu khóc rất nhiều. Tôi hỏi có phải không?
Anh Sáu vỗ vai tôi:
- Trí nhớ tốt!
Rồi anh dẫn tôi đi một vòng, anh chỉ:
- Mục tiêu của nó là đánh vào thị xã Tây Ninh, nếu chúng vào thị xã Tây Ninh đường này là nhanh nhất. Còn hướng Mộc Bài - Bến Sỏi thì không thể vào được vì có Sư đoàn BB9, có ông Bá Hồng chỉ huy thì không vào được. Chỗ này có thể xảy ra đánh lớn cho đơn vị cậu… Vì bên kia là sông Vàm Cỏ, qua Xóm Giữa là đất bằng, triển khai lực lượng tấn công rất phù hợp. Lực lượng của ta ở đây quá mỏng, tập trung ở Xa Mát - Mộc Bài. Nếu có tấn công hướng này phải có hai trung đoàn trở lên. Do đó cậu phải giấu quân thật khéo, bí mật để nó qua sông khoảng từ 1 - 2 km mới tung ra chặn. Tôi sẽ nói với Út Liêm cho cậu thêm 2 tiểu đoàn bộ binh là d1/e316 và d14 của tỉnh, 1 tiểu đoàn xe tăng của e T-TG26 và 1 tiểu đoàn pháo binh của quân khu cộng với Trung đoàn 201 có 3 tiểu đoàn bộ binh và 8 đại đội trực thuộc. Toàn bộ du kích biên giới huyện Châu Thành, Tây Ninh tương đương cả thảy 10 tiểu đoàn hỗn hợp. Mình đủ sức đánh bại 2 trung đoàn của nó.
Tôi về đơn vị họp Đảng ủy và báo cáo lên tỉnh kế hoạch tác chiến ở khu vực Xóm Giữa và báo cáo lại ý kiến của anh Sáu Khâm. Anh Út Liêm, tức Bùi Thanh Vân - chỉ huy trưởng Tây Ninh phê chuẩn kế hoạch và dặn tôi ý kiến của anh Sáu là tốt nhưng phải bí mật.
Triển khai kế hoạch, bộ đội nằm chờ ăn Tết xong nhưng địch vẫn chưa động tĩnh, mãi cho đến đầu tháng 4 năm 1978 thì địch bắt đầu vượt qua sông. Đúng như kế hoạch, bộ đội ta vẫn giữ bí mật, khi địch đã vào hết Xóm Giữa, ta mới tung du kích ra chặn và bộ đội ta thực hành bao vây. Tôi báo cáo ngay về tỉnh và anh Sáu Khâm. Anh Sáu nói:
- Tôi sẽ đến chỗ Út Liêm ngay đây.
Trận đánh diễn ra từ 5 giờ sáng cho đến 8 giờ sáng, ta đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của địch ở Xóm Giữa. Ta thu 12 máy 2W biên chế cho 6 tiểu đoàn bộ binh, hơn 200 súng các loại, quân địch chết tại chỗ và xác nổi trên mặt sông Vàm Cỏ. Tiếng súng kết thúc trận đánh được 2 giờ, tức 10 giờ trưa, anh Sáu Khâm, anh Ba Vũ, anh Út Liêm đã có mặt biểu dương tôi và đơn vị. Đại diện Quân đoàn 3, quân đoàn 4 đều có mặt, tất cả cho rằng đây là trận đánh hay nhất, toàn diện nhất từ năm 1977 cho đến nay.
Sau trận đánh này, anh Sáu về Cục Khoa học Quân sự tổng kết chiến tranh. Còn tôi được lệnh ra Bắc làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 756, Sư đoàn BB301 đánh với bọn phản động bành trướng Bắc Kinh Trung Quốc tháng 2-1979 đến năm 1981 tôi trở lại Nam Bộ. Người đầu tiên tôi tìm đến là anh Sáu Khâm. Tôi kể anh nghe về cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc khác với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam như thế nào. Anh chăm chú lắng nghe và vui vẻ nói:
- Anh em mình nói để mà biết, còn nghệ thuật quân sự trong thời kỳ đổi mới… cần nắm bắt cái mới nhưng không thể bỏ qua nghệ thuật quân sự truyền thống.
Đối với anh Sáu, tôi coi như người chú, người anh cả, người thầy. Vì tư tưởng và suy nghĩ nghệ thuật quân sự độc đáo chỉ có ai ở chiến trường giáp mặt với kẻ thù mới nghĩ ra được. Phải tìm địch mà đánh, lập thế trận dụ địch vào để tiêu diệt.
Đất miền Đông mãi mãi nhớ anh, người con quê hương Đồng khởi kiên cường.
Thiếu tướng TRẦN NGỌC THỔ, nguyên Tham mưu trưởng QK7
4292 lượt xem