Tên tuổi Nguyễn Bình luôn luôn gắn liền với Nam Bộ
Tháng 9-1945, khi đang là Tư lệnh chiến khu Trần Hưng Đạo (Hải Phòng), ông được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ là phái viên quân sự của Chính phủ vào Nam Bộ thống nhất các lực lượng vũ trang tự lập thành Giải phóng quân Nam Bộ trong thời kỳ Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ 2.
Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu (ngoài cùng từ phải sang); Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn, Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 (thứ 2 từ phải sang); Trung tướng Nguyễn Châu Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng (thứ 3 từ phải sang); đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM hỏi thăm cựu chiến binh Lê Bửu, người cận vệ trực tiếp của Trung tướng Nguyễn Bình trong Lễ tưởng niệm lần thứ 73 Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh.
Trong ba năm, từ 1945 đến 1948, những công việc mà Nguyễn Bình đề xuất, chỉ đạo đã đem lại những kết quả tích cực. Chiến khu được giữ vững. Các ban công tác lập nhiều chiến công vang dội trong nội thành. Đánh sâu, đánh hiểm vào các cơ sở có sĩ quan, nhân viên cao cấp của Lục quân, Hải quân, Không quân Pháp, đánh tiêu diệt vào phương tiện địch ở các kho đạn. Vận động một nhiều nhóm tổ chức đi theo kháng chiến… Chính là tiền đề cho lực lượng biệt động thành hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ sau này.
Không chỉ xây dựng lực lượng vũ trang, Nguyễn Bình còn tập hợp được các trí thức cho cách mạng bằng tài năng và nhân cách của mình trong bối cảnh tình hình cực kỳ phức tạp được ví như “Thập nhị sứ quân”. Ông tổ chức xây dựng lực lượng quân y của khu trong những ngày đầu tiên kháng chiến và hướng tới xây dựng những công binh xưởng đầu tiên ở Nam Bộ. Vì phải có vũ khí trong tay, những người chiến sĩ mới làm tròn nhiệm vụ.
Chân dung Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh: Tư liệu
Từ chỗ chỉ có 8.000 quân tự vệ Sài Gòn khi Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát lệnh “Nam Bộ kháng chiến” (ngày 23-9-1945), 5 năm sau, lực lượng vũ trang của ta ở Nam Bộ đã hình thành đủ 3 thứ quân: Chủ lực, địa phương và dân quân du kích, với quân số lên tới hàng vạn người.
Ngày 29-9-1951 trên đường hành quân từ Nam ra Bắc nhận nhiệm vụ, ông đã bị phục kích và anh dũng hy sinh. Trung tướng Nguyễn Bình được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Chỉ trong vỏn vẹn 6 năm sống tại miền Nam, nhưng tướng quân Nguyễn Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Bác Hồ đã tin cậy giao phó và ông cũng đã giữ trọn lời thề sinh tử với miền Nam - Thành đồng Tổ quốc.
Với những công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trung tướng Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 84, năm 1952 truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất.
Hàng năm, vào ngày 29/9, Lễ giỗ Trung tướng Nguyễn Bình được gia đình và đồng chí, đồng đội tổ chức. Đó là ngày tri ân, hội ngộ cảm động của những người yêu quý, tôn kính vị Tư lệnh đầu tiên của LLVT Nam Bộ, Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.