Cây trái đã cho thu hoạch tại các Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới.
Chiều biên giới Long An, những vệt nắng cuối cùng còn sót lại ở phía trời xa dần tắt. Làn gió thoảng qua, mang đến cảm giác se lạnh. Những mái nhà trên các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng đông đúc người ra, vào xua tan không gian man mác buồn của vùng biên viễn.
17 giờ, trở về sau một ngày làm việc vất vả, vợ chồng ông Hồ Văn Sơn sinh sống ở Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, lại tất bật cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Mâm cơm của gia đình giản dị nhưng có đủ món cá, thịt, rau, cho thấy cuộc sống của người dân ở đây cũng đủ đầy. Chén rượu nồng hòa quyện với lòng hiếu khách của gia chủ, chúng tôi được dùng bữa cơm tối đầu tiên với cư dân biên giới.
Khuôn mặt sạm nắng của một người dân cần cù lao động hiện rõ dưới ánh đèn điện. Nét mặt ông Sơn hằn những vết chân chim của của một người dãi dầu sương gió. Ông Sơn nói: “Cuộc sống của người dân lao động như chúng tôi có được như hôm nay là nhờ lực lượng vũ trang Quân khu 7 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ gia đình được ra ở gần đường vành đai biên giới. Ruộng, vườn gần nhà nên điều kiện chăm sóc, trông nom cũng tốt hơn”.
Ông Sơn là một trong những hộ gia đình đầu tiên lên biên giới Vĩnh Hưng định cư theo chủ trương của Quân khu 7 về việc xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Với hơn 8ha đất của gia đình và thuê của người dân, ông Sơn đầu tư trồng bí đỏ. Nhờ cần cù lao động, ruộng bí đỏ của ông cho năng suất 8 - 9 tấn/ha, bán với giá ổn định khoảng 9.000 đồng/kg. Từ đó, cuộc sống của ông ngày càng sung túc hơn.
Ông Hồ Văn Mạnh, anh trai của ông Sơn làm nghề chài lưới bắt cá trên sông, còn vợ bán hàng ở chợ xã Thái Bình Trung. Thu nhập bấp bênh, hai vợ chồng cất nhà ở tạm tại khu đất công được xã cho mượn. Ngay khi biết chủ trương của Quân khu 7, ông Mạnh cùng gia đình em trai viết đơn xin chính quyền xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, được lên biên giới định cư lâu dài. Khi lá đơn của gia đình được chấp thuận, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết. Được tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Sơn mua hơn 140m2 đất ruộng, đổ nền để xây nhà. Cùng với sự giúp đỡ của Quân khu 7 và các cấp chính quyền, căn nhà của gia đình ông Mạnh được xây dựng khang trang.
Nhớ lại những ngày tháng bươn chải để mong ước có được phần tiền mua đất an cư, lạc nghiệp, ông Mạnh kể: “Không có nhà kiên cố, gia đình tôi lo lắng mỗi khi đến mùa mưa, giông gió. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình vì thế cũng gặp nhiều bất tiện. Tôi không nghĩ mình có thể mua đất, xây được căn nhà kiên cố như vậy. Bây giờ, cuộc sống khá giả hơn nhiều, gia đình tôi mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị phục vụ cho sinh hoạt”.
Cách nhà ông Mạnh chừng vài chục mét, gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn là một trong những hộ dân định cư trên vành đai biên giới có kinh tế khá nhất. Ông Thuấn có ngôi nhà khang trang, rộng rãi, thoáng mát cùng mảnh vườn trồng mít. Sau 2 năm phát triển, những cây mít bắt đầu đơm hoa kết trái. Với sự nhanh nhạy trong làm kinh tế, gia đình ông Thuấn còn đầu tư làm đại lý bán bạt nylon cho các hộ dân trồng dưa hấu trên khu vực ruộng gần biên giới kết hợp với trồng lúa trên chính mảnh đất của mình. Giờ đây, ông Thuấn đã mua được xe ôtô để phục vụ cho công việc của gia đình.
Hình thành, phát triển thành khu cụm dân cư đông đúc
Với chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân, Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng của Quân khu 7 tại Long An đang đạt những kết quả tốt. Người dân tự nguyện ra sinh sống gần đường vành đai biên giới ngày một nhiều hơn. Cuối tháng 9-2022, UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành, bàn giao 7 căn nhà Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới ở ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B và ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng.
Những căn nhà xây dựng theo quy cách nhà cấp 4 (vách tường, mái lợp tole, nền gạch, diện tích từ 80 - 140m2) gồm: 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh. Kinh phí bình quân xây dựng mỗi căn nhà khoảng 330 triệu đồng. Trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ 140 triệu đồng/căn, phần còn lại do thân nhân các gia đình đóng góp.
Vào đầu tháng 10-2022, 10 căn nhà Điểm dân cư liền kề Đồn biên phòng Bến Phố và Trạm biên phòng Vàm Đồn tại xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng được khánh thành, đưa vào sử dụng sau 5 tháng thi công. Kinh phí xây dựng bình quân khoảng 315 triệu đồng/căn với quy mô nhà cấp 4, tường gạch, mái tole, nền lát gạch, diện tích sàn từ 100 - 140m2. Trong đó, Quân khu 7 hỗ trợ 2,24 tỉ đồng để xây dựng nhà, lắp đặt hệ thống điện và mua bò giống sinh sản. Tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng (40 triệu đồng/căn), còn lại gần 1,9 tỉ đồng do các hộ gia đình thụ hưởng đóng góp.
Ngày nhận nhà, các hộ dân được các đoàn thể tặng nhiều phần quà như tivi, bộ bình tách, nồi cơm, quạt điện. Những món quà này càng thêm ý nghĩa và giúp căn nhà được đầy đủ hơn, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của các hộ dân.
Tuyến biên giới Long An giáp với nước bạn Campuchia dài hơn 134km, qua 20 xã ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Hiện tại, toàn tuyến biên giới Long An đã hình thành 18 điểm dân cư, có 130 căn nhà liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng. Hiện nay, 100% điểm dân cư liền kề đều có điện, nước sạch để sử dụng. Người dân sinh sống tại các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm, biên phòng đã ổn định cuộc sống. Theo kế hoạch, năm 2023 tiếp tục triển khai xây dựng 20 căn nhà liền kề đồn, trạm Biên phòng trên địa bàn huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.
Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân Khu 7, cho biết: “Để tạo điều kiện cho người dân ra sinh sống gần đường vành đai biên giới, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 luôn đồng hành, cps những chính sách để cùng Long An triển khai xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng. Với sự phát triển mạnh mẽ của vùng biên, trong tương lai không xa, những điểm dân cư ban đầu sẽ phát triển thành khu, cụm dân cư đông đúc, trù phú trên tuyến biên giới. Hình ảnh vùng biên Long An chuyển mình vươn lên sẽ là điểm sáng trong thực hiện chính sách an dân nơi biên giới.