Đời sống vật chất và tinh thần của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện; thông qua việc thực hiện chính sách, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững; tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên.
Năm 2016, Bình Thuận được Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/2/2016 của Ủy ban Dân tộc (10 xã, 21 thôn). Tổng dân số toàn vùng thụ hưởng Chương trình 135 có 10.568 hộ/45.239 khẩu.
Nông dân thu hoạch bắp lai được đầu tư từ Chương trình 135. (Ảnh: Báo Bình Thuận)
Thời gian qua, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn được các cấp, các ngành quan tâm. Kết quả thực hiện đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; góp phần tăng thêm cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, những khó khăn bức xúc của đồng bào được giải quyết từng bước; từ đó góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế, đời sống văn hóa xã hội vùng đồng bào có nhiều chuyển biến, mức sống được nâng lên rõ rệt.
Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư đã được quan tâm hơn, có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng cấp, từng ngành nhằm phát huy hiệu quả sử dụng công trình sau đầu tư một cách bền vững. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được nhân dân và cán bộ địa phương hưởng lợi đồng tình ủng hộ, việc tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật, giúp đồng bào có thêm kiến thức ứng dụng vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển tuy có chuyển biến tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế nhất định; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho UBND các huyện sớm triển khai thực hiện các dự án của Chương trình 135, đồng thời có kế hoạch lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư khác trên địa bàn để thực hiện kế hoạch được giao; ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân khai chi tiết kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2016; trong đó, có nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 là 17.230 triệu đồng. UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Chương trình 135 năm 2016; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND ngày 15/7/2016 về Quy định định mức và mức chi thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; sau đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3080/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND ngày 15/7/2016 của HĐND tỉnh.
Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 135 được các cấp, các ngành, tỉnh, huyện chú trọng chỉ đạo, thông qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời uốn nắn những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chương trình; việc tổ chức thực hiện Chương trình 135 đã giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở nâng cao thêm về trình độ trong công tác quản lý nhà nước về các mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới.
Về dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có tổng kinh phí được giao là 3.645 triệu đồng. Đã triển khai hỗ trợ 24.000 giống cây điều ghép cao sản PNI cho 138 hộ nghèo, cận nghèo với diện tích 60ha; giống bò sinh sản 116 con/116 hộ; dê giống 486 con/228 hộ; 01 mô hình nuôi bò 8 con/4 hộ; 02 mô hình nuôi dê 38 con/12 hộ; 03 mô hình trồng cây bắp lai; 03 mô hình trồng cây xoài Đài Loan, cây đậu xanh; 01 mô hình chăn nuôi gà thả vườn; hỗ trợ giống bắp lai 3.638kg, phân bón các loại 32.561 kg, thuốc bảo vệ thực vật 808 gói, đậu xanh giống 180kg, giống cây xoài 700 cây; gà giống 600 con, thức ăn cho gà 1.800kg, thuốc cho gà 2.400 gram, máy phun thuốc bảo vệ thực vật và cần xịt dự phòng 11 cái/ 359 hộ.
Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí được giao 13.585 triệu đồng; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư đã được quan tâm hơn, có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng cấp, từng ngành nhằm phát huy hiệu quả sử dụng công trình sau đầu tư một cách bền vững. Đến nay đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình: đường giao thông 12 công trình; cầu 01 công trình; điện 01 công trình; nhà sinh hoạt cộng đồng 03 công trình; trường học 02 công trình và thủy lợi 01 công trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ngành, địa phương ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt tập trung… gắn với xây dựng nông thôn mới. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, chủ động đề xuất bố trí nguồn vốn hợp lý để lồng ghép đầu tư vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời, việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư phải gắn với việc giao mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của chương trình.
Đời sống vật chất và tinh thần của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện; thông qua việc thực hiện chính sách, nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững; tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Thông qua việc lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi… tại các xã nghèo tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả trên đã góp phần, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh được tăng cường; niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên./.
Tô Thành Long
nguồn: dangcongsan.vn