Ngày 17-9, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" trong quân đội, giai đoạn 2016-2020.
Qua hội nghị, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả và các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" đã được giới thiệu, tôn vinh, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân” trong tình hình mới. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến tâm huyết gửi đến hội nghị và trình bày trực tiếp tại hội nghị.
* Thiếu tướng DOÃN BẢO QUYẾT, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển:
Bám sát nhiệm vụ, chủ động giúp dân
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết.
Lực lượng Cảnh sát biển (CSB) hoạt động trên vùng biển trải dài từ cửa sông Bắc Luân, tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, yêu cầu đòi hỏi cao, với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển hết sức phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm trên các vùng biển Việt Nam có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, cường độ, tính chất. Để hoàn thành tốt vai trò là lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, CSB Việt Nam đã chú trọng phát huy chức năng “đội quân công tác”, tích cực làm công tác dân vận, thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; trong đó, việc triển khai thực hiện mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” (từ năm 2017 phát triển thành Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”) là một điểm sáng nổi bật, nội dung đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, sự sáng tạo của Bộ tư lệnh CSB trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/QUTW, ngày 26-10-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, các đơn vị CSB đã tuyên truyền trực tiếp cho 10.760 lượt người dân trên các xã (huyện) đảo và ngư dân ở các tỉnh, thành phố ven biển; phát hơn 100.000 tờ rơi tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình biển, đảo, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSB; tuyên truyền cho ngư dân gắn việc đánh bắt hải sản với bảo vệ tài nguyên, môi trường; không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự, an toàn biển, đảo...
Để chương trình phát triển tốt, Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB xác định phải coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí công tác dân vận; về ý nghĩa, nội dung của Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng "Đơn vị dân vận tốt”; phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của người chỉ huy các cấp, đồng thời phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ dân vận trong tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
* Thiếu tướng PHÙNG QUỐC TUẤN, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng:
Chung tay xây dựng “biên giới lòng dân” vững mạnh
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn.
Việc tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các xã biên giới; góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, tiềm lực quốc phòng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; xây dựng “biên giới lòng dân” vững mạnh.
Để tiếp tục góp phần tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới (KVBG) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy BĐBP xác định tập trung thực hiện một số giải pháp, đó là:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội ở KVBG. Duy trì thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng duy trì và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với cấp ủy cấp huyện, xã biên giới, hải đảo.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng thêm cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã ở địa bàn biên giới, biển, đảo. Lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực giới thiệu tham gia cấp ủy và giữ các chức danh chủ chốt của đảng ủy, UBND các xã biên giới; nâng cao chất lượng hoạt động của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại chi bộ thôn, bản biên giới và phụ trách các hộ gia đình ở KVBG.
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân KVBG thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nắm chắc tình hình mọi mặt ở KVBG, chủ động, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng KVBG vững mạnh.
* Đại tá CẤN LONG GIANG, Phó chủ nhiệm Chính trị, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội:
"Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội"
Đại tá Cấn Long Giang.
Là một doanh nghiệp quân đội, hơn 30 năm kể từ ngày thành lập, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Mang trong mình phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, đồng hành giúp dân trên trận tuyến xóa đói, giảm nghèo và tiến hành công tác dân vận thực sự đã trở thành một nét truyền thống quý báu, kết nên giá trị cốt lõi, triết lý “kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội”.
Cách làm của Viettel là trực tiếp đến với dân, làm cùng dân để lắng nghe dân cần gì, hiểu rõ địa phương mong muốn gì, cần hỗ trợ thế nào, bằng cách nào... Như Chương trình “Trái tim cho em”, Viettel cử cán bộ đến tận nhà, hướng dẫn gia đình làm thủ tục và tổ chức các hoạt động khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho các em nhỏ tại từng địa phương. Chương trình đã hỗ trợ phẫu thuật thành công cho hơn 5.500 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh; tổ chức 67 chương trình khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho hơn 130.000 trẻ em nghèo để giúp các em được điều trị bệnh kịp thời.
Với phương châm kiên định “trao cần câu chứ không cho con cá”, thời gian qua, Viettel cử lực lượng về cơ sở, đến với dân để trao gửi, tặng sinh kế, chia sẻ kinh nghiệm... giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Ví dụ như chương trình hỗ trợ người dân giảm nghèo tại 3 huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đăkrông (Quảng Trị), sau 10 năm triển khai đã trao tặng hơn 2.600 con bò giống và kinh phí làm chuồng bò; 23 tấn ngô giống; hỗ trợ hơn 23 tấn lúa giống; 60 tấn phân bón NPK... tặng người dân.
Không chỉ giúp dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, Viettel chú trọng giúp dân bằng cách đầu tư cho tương lai, tập trung hỗ trợ nhân lực, vật lực, phương tiện và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các địa phương, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Điển hình là Chương trình “Vì em hiếu học”, sau 7 năm triển khai đã trao tận tay hơn 170.000 suất học bổng tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi, trị giá hơn 170 tỷ đồng. Hay như Chương trình internet trường học được xem là một trong những hoạt động đầu tư cho tương lai khá thành công của Viettel. Gọi là đầu tư cho tương lai bởi khi thế hệ trẻ sớm được tiếp cận công nghệ thông tin sẽ mở ra một chân trời mới, sẽ là cơ hội để tiếp cận kho thông tin, tri thức khổng lồ chung của nhân loại, giúp các em không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
* Thiếu tá LÊ VĂN CHUNG, Thuyền trưởng Tàu 490, Vùng 4 Hải quân:
Sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn
Thiếu tá Lê Văn Chung.
Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, là chỉ huy tàu, tôi thường xuyên quán triệt, giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ hiểu được ý nghĩa của công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân, xác định cứu dân như cứu người thân của chính mình...
Hằng năm, tàu của đơn vị tôi đều xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện thuần thục các phương án phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn sát với thực tiễn; huấn luyện nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng với các lực lượng khác với nhiều phương án, tình huống; nghiên cứu địa hình, chuẩn bị đầy đủ về phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn... Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, nhất là khi dông bão lớn, chúng tôi tổ chức trực 24/24 giờ, hướng dẫn cho từng tàu cá của ngư dân vào các nơi tránh trú an toàn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, sẵn sàng triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống phức tạp, đột xuất xảy ra. Từ tháng 8-2018 đến tháng 5-2019, tôi đã chỉ huy tàu 4 lần xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo thành công 4 tàu cá, đã cứu được 97 ngư dân an toàn.
Tháng 7-2019, tình hình khu vực Biển Đông diễn biến phức tạp, nước ngoài triển khai nhóm tàu kéo xuống hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều tàu cá của ngư dân ta đang đánh bắt trong khu vực ngư trường truyền thống đã bị tàu nước ngoài xua đuổi, không khai thác được. Nhận được lệnh xuất phát, tàu chúng tôi đã có mặt tại thực địa, cùng với các lực lượng của ta đang làm nhiệm vụ trên biển nhanh chóng hiệp đồng, triển khai các biện pháp tiếp cận, ngăn cản, tuyên truyền. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu bình tĩnh, giữ vững hiệp đồng, cơ động khôn khéo, đúng đối sách, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không làm phức tạp thêm tình hình, không để nước ngoài tạo cớ; kiên quyết, kiên trì tuyên truyền, khẳng định chủ quyền, bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá của ngư dân ta khai thác trên vùng biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển được phân công.
Nguồn: qdnd.vn