Khó khăn đó, phải tìm cách khắc phục thôi…
Điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở Kiên Giang rất khó khăn cho việc thi công, khi mưa sẽ gây sạt lở, không thi công được, mùa khô nước kênh mương cạn khó khăn cho việc vận chuyển phương tiện và vật liệu. Anh Võ Anh Tuấn – Chỉ huy trưởng công trình cho biết.
Trên tuyến đường đơn vị nhận thi công 3km, là một trong những đơn vị thi công nằm ở tuyến giữa các đơn vị thi công khác nên khi vận chuyển các trang thiết bị hay vật liệu xây dựng, máy móc đều phụ thuộc các đơn vị thi công ở các đoạn đường từ ngoài vào. “Việc chở vật liệu vào công trình phụ thuộc rất lớn vào đơn vị bạn, nếu đơn vị bạn ủi đường sẽ gây cản trở không chuyển máy móc hay nguyên vật liệu vào trong thi công được” anh Tuấn chia sẻ thêm.
Vào mùa khô, các kênh rạch đều khô cạn, các hộ dân hút nước tưới lúa nên khó khăn trong việc lưu thông tàu thuyền trên sông, ảnh hưởng đến việc hút cát vào công trình, gây khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
“Cái khó không bó được cái khôn” anh em trong đội thi công bàn nhau đào một đoạn kênh làm nơi trung chuyển cát tới các đoạn còn lại để đảm bảo các tuyến đường không bị gián đoạn và đề phòng trời mưa gây sạt lở. Khó khăn là vậy, nhưng khi được hỏi các anh rất quyết tâm nói khó khăn đó, phải tìm cách khắc phục thôi.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc xí nghiệp chia sẻ: “Điều kiện thi công ở vùng này rất vất vả, bộ phận kỹ thuật nghiên cứu chỉ đạo anh em chuẩn bị làm nền đường và cầu cống trước, sau đó làm mặt đường. Do nền đất yếu nên phải đào một con kênh rồi đắp thành đường, sau đó hút bơm cát vào giữa, cho xe lu lèn ổn định một thời gian rồi mới làm mặt đường”.
Tuyến đường của lòng dân
Xây dựng đường TTBG là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được Chính phủ giao cho Quân đội thực hiện. Công trình trọng điểm này có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc vùng biên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến nay, đường TTBG đã gắn kết với hệ thống đường giao thông trong khu vực, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn ở khu vực biên giới, vành đai biên giới; bảo đảm giao thông thông suốt đến các xã biên giới, giúp các địa phương đưa dân ra vùng biên phát triển sản xuất.
Trung tá Danh Ngọc Sang, Trưởng ban vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trên địa bàn huyện Giang Thành có hơn 2000 hộ dân sinh sống, tuyến biên giới có hai đường tiểu ngạch là Nha Sáp và Chợ Đình, trước đây thường xảy ra buôn lậu, mất an toàn, an ninh chính trị. Từ khi xây dựng đường tuần tra biên giới đã giảm bớt, các hộ dân không còn lo sợ, tuyến đường giúp bà con trong việc vận chuyển lúa, thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là an toàn, an ninh biên giới”.
Hệ thống giao thông liên hoàn góp phần tạo thuận lợi cho lưu thông trên địa bàn, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, đẩy mạnh thông thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đường TTBG tạo điều kiện cho các địa phương mở một số cửa khẩu tiểu ngạch với nước bạn Campuchia để trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa hai bên. Ở những khu vực biên giới có dân cư, đường TTBG góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện, củng cố phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.
Sau hơn 10 năm triển khai thi công đường tuần tra biên giới, hàng ngàn km đường nhựa, bê tông vững chắc nối liền tuyến biên ải của Tổ quốc hoàn thành và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng góp phần tích cực thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh tuyến biên giới của Đảng, Nhà nước và Quân đội, giúp người dân vùng biên từng bước xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Những tuyến đường này cũng biến nhiều vùng biên ải hẻo lánh trở thành điểm sáng về phong trào phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và bảo vệ đường biên mốc giới, củng cố quốc phòng, an ninh, giao thương văn hóa, xã hội ở những nơi xa xôi hẻo lánh trên tuyến biên cương của Tổ quốc.