(QK7 Online) - Trong biên chế của Quân đội ta, có một ngành duy nhất chỉ có trong Không quân, đấy là ngành Dẫn đường. Những chiến công của các phi công chiến đấu của Không quân đều có những đóng góp quan trọng của tất cả các bô phận: Tham mưu, Chính trị, Kỹ thuật, Hậu cần … trong đấy có ngành Dẫn đường.
Dẫn đường bay là công việc đòi hỏi người dẫn phải có bản lĩnh, phải nhanh nhạy quyết đoán. Là người trực tiếp dẫn phi công từ khi cất cánh cho đến khi phi công phát hiện mục tiêu, sau đấy dẫn phi công trở về hạ cánh an toàn. Chỉ thiếu tập trung, thiếu bình tĩnh, tính toán sai sẽ đưa trận đánh đến thất bại, gây tổn thất cả về máy bay và phi công của ta.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm 1972 đối đầu với lực lượng máy bay chiến lược của Mỹ, ngành Dẫn đường của KQNDVN đã phải trải qua nhiều thách thức với cuộc chiến tranh điện tử tinh vi, hiện đại của Mỹ. Với hệ thống gây nhiễu dày đặc nhằm che dấu lực lượng B52, đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác dẫn dắt. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, với bộ óc nhạy bén sáng tạo, những người làm công tác dẫn đường đã có cách trừng trị hệ thống gây nhiễu của địch, đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích của ta tiếp cận máy bay địch ở vị trí thuận lợi, phát hiện, tấn công máy bay địch và dẫn máy bay ta trở về. Khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên bầu trời, họ rất khó quan sát được mục tiêu bằng mắt thường, vì thế người dẫn đường tuy ngồi ở Sở Chỉ huy mặt đất nhưng lại chính là “những con mắt thần” của phi công, dẫn dắt phi công vào vị trí thuận lợi để phát hiện và công kích địch.
Ngành dẫn đường đã bố trí một cách khoa học các Trạm Radar dẫn đường, các tổ dẫn đường cơ động để có thể phối hợp, bổ trợ nhau chống lại hệ thống nhiễu của địch.
Có thể nói Dẫn đường bay vừa là công việc mang tính khoa học nhưng cũng là công việc mang đậm chất nghệ thuật.
Với những thành tích đã đạt được trong dẫn dắt máy bay ta, ngành Dẫn đường Không quân là ngành duy nhất trong KQNDVN được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Nói đến những chiến công của Dẫn đường Không quân, trước hết phải nói đến “Thuyền trưởng” của ngành Dẫn đường – Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên. Ông sinh năm 1932 tại Hoài Nhơn, Bình Định. Sau cách mạng Tháng Tám, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông tham gia bộ đội địa phương.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông được điều về Binh chủng Không quân. Đây là Binh chủng đặc biệt đòi hỏi phải có trình độ học vấn cao mới sử dụng được các loại máy móc hiện đại vì thế bản thân ông rất nỗ lực học tâp, rèn luyện. Từ năm 1959 – 1963 Nguyễn Văn Chuyên là một trong 3 người được cử đi học tại Trường Hàng không cao cấp Nam Uyển (Trung Quốc) và Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô) về ngành dẫn đường Không quân. Về nước ông được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp học về dẫn đường trong nước.
Nguyễn Văn Chuyên cũng đã đi vào Khu 4 để tìm cách phát hiện và cách dẫn đánh B52, cách loại trừ nhiễu. Ngày 20/11/1971, tại Sở chỉ huy tiền phương trong Khu 4 ông đã tham gia dẫn phi công Vũ Đình Rạng xuất kích bắn bị thương một máy bay B52.
Trong thời kỳ kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc (1965 - 1972) đồng chí Nguyễn Văn Chuyên đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích ta đánh 110 trận, bắn rơi 117 máy bay các kiểu, bắn bị thương một B52 của Mỹ. Ông đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND năm 2003. Trước khi nghỉ hưu, ông giữ chức Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK – KQ.
Nhà báo, nhà văn Lê Thành Chơn là một trong các cây đại thụ của ngành Dẫn đường. Ông sinh năm 1938 tại Chợ Mới, An Giang. Năm 1952 ông tham gia Vệ Quốc đoàn. Năm 1954 tập kết ra Bắc nhận nhiệm vụ ở Đại đoàn 338. Ngày 01/ 5/1960, ông là chiến sĩ duy nhất, cùng với 6 sĩ quan được triệu tập về Trường Văn hóa Quân đội. Sau khóa học ông được cử đi học một khóa 6 tháng tiêu đồ gần (đánh dấu đường bay trên bàn dẫn đường tại Sở chỉ huy) tại Trung Quốc.
Trong thời gian kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc (1965 – 1972), sĩ quan Dẫn đường Lê Thành Chơn đã trực tiếp dẫn đường cho các máy bay tiêm kích ta hàng trăm trận, trong đó dẫn đường thành công khoảng 80 trận đánh, góp phần quan trọng để phi công Việt Nam bắn hạ hơn 60 máy bay Mỹ.
Một Sĩ quan Dẫn đường mà mỗi khi phi công tiêm kích nghe thấy giọng nói của ông phát trên máy đối không đều cảm thấy an tâm. Công việc của ông không ồn ào, những khẩu lệnh của ông phát ra là những lúc căng thẳng và quyết định nhất: đấy là lúc phi công tiếp cận mục tiêu. Ông là sĩ quan Dẫn đường hiện sóng Lê Thiết Hùng, ông ngồi trực tiếp trước màn hình Radar, quan sát tỉ mỉ chi tiết máy bay ta và máy bay địch, tạo điều kiện cho máy bay tiêm kích của ta tấn công địch. Ngoài ra ông còn cảnh giới những tốp máy bay dịch phía sau. Những khẩu lệnh của ông lúc này rất quan trọng cho cả trận đánh.
Lê Thiết Hùng là người trầm tính, ít kể chuyện về bản thân mình. Phần lớn các trận đánh của KQNDVN, nhất là những trận thắng lớn trong Chiến thắng “Hà Nội – Điên Biên Phủ trên không” đều có sự đóng góp trực tiếp của ông. Trong ngành Dẫn đường, ông là một trụ cột của dẫn đường trên màn hình hiện sóng Radar.
Chỉ 12 ngày đêm, toàn bộ ý đồ chiến lược của Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ. Người chiến thắng là quân và dân Thủ đô Hà Nội, của toàn dân tộc Việt Nam. Trong 8 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, Bộ đội PK – KQ đã mất đi hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, chỉ riêng số phi công hy sinh cũng đến hàng trăm. Riêng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 có hai phi công hy sinh là Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều và phi công Hoàng Tam Hùng. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của Nhân dân Hà Nội và cả nước để chúng ta có được chiến thắng vẻ vang: Chiến thắng “Hà Nội – Điên Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải thua vô điều kiện, đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “…Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.