Mới đây, cô bạn tôi là cán bộ lãnh đạo của một tờ báo tỉnh có đăng nhầm một bức ảnh. Đến lúc ra báo, biết sai, cô đã chủ động đính chính, nhận lỗi, nhận trách nhiệm với cấp trên. Sự việc tưởng thế là xong, ai ngờ có người đưa tấm ảnh sai đó lên mạng xã hội để “mổ xẻ", phân tích.
Câu chuyện thu hút hàng trăm lượt bình luận, phần lớn là a dua, mạt sát, xúc phạm người viết và chỉ trích, bêu xấu tờ báo. Bạn tôi cũng tham gia mạng xã hội để thanh minh, thế nhưng không được mọi người thông cảm, tha thứ. Người bình luận sau nặng lời, cay độc hơn người bình luận trước. Bạn tôi nói rằng cảm thấy mình như đang ở dưới một đống rác, càng kêu gào càng bị mọi người đổ thêm rác lên đầu. Dù là người rất bản lĩnh nhưng cuối cùng cô vẫn bị stress nặng vì mạng xã hội.
Thực tế thời gian qua cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông nên đã hạn chế được nhiều tài liệu xấu độc từng được lưu truyền trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter hay YouTube cũng đã thể hiện thái độ đồng tình, ủng hộ khi chấp hành đầy đủ việc gỡ bỏ những thông tin bịa đặt, xấu độc.
Còn nhớ khoảng 10 năm trước, sự bùng nổ với nhiều hệ lụy của game online, các nhà chức trách ở nhiều nước đã quản lý tài khoản game qua số công dân. Việc này được cho là đã giảm tải, hạn chế rất nhiều tác động tiêu cực do game online gây ra. Tuy nhiên, mạng xã hội khác game online ở chỗ, người ta biết rõ con người sử dụng tài khoản nhưng lại không thể kiểm soát được những điều họ bình luận, tương tác với cộng đồng mạng. Do đó rất cần sự vào cuộc của cư dân mạng để xây dựng một nền văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh.
Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều nhân vật được coi là “thủ lĩnh tinh thần”, “người dẫn dắt dư luận”. Một số nhân vật nổi tiếng chỉ bằng cách đưa những câu chuyện "sốc, sex, sến" nhưng vô tình đã "tung hỏa mù" làm "bẩn" môi trường mạng xã hội. Có kẻ thì núp dưới chiêu bài từ thiện đánh vào tâm lý thương người của số đông để trục lợi; cá biệt cho kẻ còn lợi dụng những mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân để đưa chuyện không đúng lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ, kích động... Và trong sự “nổi tiếng” của những đối tượng này có một phần trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta khi tham gia mạng xã hội, vô tình hay cố ý, bị cuốn theo những cuộc tranh luận do họ dựng lên có chủ đích xấu. Mạng xã hội có xây dựng được văn hóa ứng xử lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào hành vi của mỗi người sử dụng, do đó chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội.
Thành ngữ có câu “năm người mười ý” nhưng cũng có câu “nhiều cái đầu sáng suốt hơn một cái đầu”. Điều đó cho thấy việc tranh luận nào thì cũng có hồi kết, và những ý kiến kết luận thường là ý sáng suốt. Vấn đề là làm sao tập hợp được những “cái đầu sáng” để cùng đưa ra ý kiến lành mạnh, bổ ích. Trước khi ý kiến sáng suốt cuối cùng được đưa ra, mỗi người hãy nên bình tâm suy nghĩ để đưa ra ý kiến một cách chính xác, thấu đáo, có văn hóa. Việc đơn giản vậy nhưng sẽ góp phần làm trong sạch môi trường thông tin trên mạng xã hội.
ĐÔNG HÀ
Nguồn: qdnd.vn