(QK7 Online) - Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Anh hùng lực Lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) - Liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng (SN 1945, quê xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. 19 tuổi, ông vào bộ đội, tham gia hơn 300 trận đánh lớn nhỏ và lập nhiều chiến công vang dội.
Di ảnh của Anh hùng LLVT - liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng.
Gác hạnh phúc riêng, lập công vì nước
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà của Anh hùng LLVTND - Liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng tại ấp Nam, xã Hoà Long, TP. Bà Rịa. Khi chúng tôi đến, gặp lúc bà Nguyễn Thị Dưa (SN 1946) là vợ của liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng đang thắp nén hương trên bàn thờ của chồng. Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Dưa vừa tỉ mỉ lau chùi tấm Bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Chiến công hạng Nhì của chồng mà bà luôn trân trọng, gìn giữ cẩn thận. Theo lời kể của bà Dưa, sau khi nên duyên vợ chồng, năm 1964, ông Đằng đã xung phong gia nhập vào bộ đội địa phương huyện Châu Đức. Hai ông bà chỉ có người con gái duy nhất là Nguyễn Thị Ngọc Trinh (SN 1966). Ông đi chiến đấu biền biệt, thỉnh thoảng mới ghé thăm về nhà. Từ năm 1968-1970, bà Dưa không biết tin tức gì chồng mình.
Đến năm 1971, bà Dưa choáng váng khi nhận tin ông Đằng hy sinh. Nhớ lại thời điểm đón nhận tin dữ, bà Dưa không cầm được nước mắt. “Lần cuối cùng ông ấy ghé nhà lúc bé Trinh 3 tuổi. Ông có nói là mình đi bộ đội, tôi ở nhà gắng nuôi con, chờ hết chiến tranh rồi sẽ về. Vậy mà, chưa đến ngày đất nước thống nhất thì ông đã hy sinh. Tuy rất đau buồn, nhưng mẹ con tôi luôn tự hào vì có người chồng, người cha đã chiến đấu gan dạ, hy sinh xương máu mình cho Tổ quốc”, bà Dưa bùi ngùi.
Ngay từ nhỏ, vì sống trong vùng kìm kẹp của địch, nên Nguyễn Thanh Đằng phải nhiều lần chứng kiến những cảnh càn quét, bắt bớ và đánh đập dã man của Mỹ - ngụy. Từ đó, ông đã nuôi dưỡng lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết tâm tham gia kháng chiến. Năm 1964, Nguyễn Thanh Đằng xung phong gia nhập vào bộ đội địa phương huyện Châu Đức. Trong những năm tháng đánh Mỹ ác liệt, Nguyễn Thanh Đằng cùng với đồng đội liên tục đấu tranh dũng cảm, mưu trí bẻ gãy nhiều cuộc càn quét, hành quân của địch.
Điển hình là vào giữa tháng 5 đến đầu tháng 6/1966, địch huy động Lữ đoàn dù 173 Mỹ kết hợp lính đánh thuê Úc ở căn cứ Núi Đất và 1 Tiểu đoàn pháo Tân Tây Lan cùng hàng trăm máy bay, xe cơ giới yểm trợ mở cuộc càn lớn vào xã Long Phước. Trước tình huống này, LLVT huyện Châu Đức phối hợp cùng bộ đội tỉnh dựa vào địa đạo, giao thông hào và ụ chiến đấu kết hợp 3 mũi tiến công đánh trả quyết liệt. Kết quả, quân ta đã tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, 6 xe quân sự (trong đó có 4 xe bọc thép M113). Trong trận chống càn này, Nguyễn Thanh Đằng được phân công là Tiểu đội trưởng và phụ trách một mũi tiến công. Ông đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị bám trụ các ụ chiến đấu và đánh trả quyết liệt vào đội hình địch, chặn đứng nhiều cuộc tiến công và làm tiêu hao lớn sinh lực địch. Sau trận này, ông được bầu là chiến sĩ thi đua của tỉnh và được kết nạp Đảng.
Bà Nguyễn Thị Dưa, vợ Anh hùng lực Lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng, thắp hương trên bàn thờ của chồng.
Vào cuối năm 1967, có 2 đại đội biệt kích Úc mở cuộc càn vào căn cứ huyện Châu Đức ở núi Tóc Tiên. Lúc đó, Nguyễn Thanh Đằng là cán bộ trung đội đã cùng đơn vị chống trả quyết liệt. Trong tình thế chiến đấu không cân sức với địch, ông đã thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo chỉ huy đánh trước bọc sau, cùng đồng đội tiến công vào các ổ hỏa lực của địch. Sau 30 phút chiến đấu gay go và ác liệt, dưới tầm pháo và đạn 20 ly, rocket của địch, ông và đồng đội đã đẩy lùi liên tiếp 3 đợt tiến công của lính Úc, tiêu diệt và làm tan rã gần 1 đại đội quân Úc, bảo vệ an toàn khu căn cứ Huyện đội. Sau trận này, Nguyễn Thanh Đằng được bầu làm chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Ngày 30/4/1968, trong trận càn với 1 đơn vị của Mỹ thuộc Sư đoàn “Anh Cả Đỏ” tại xã Hoà Long và xã Long Phước, ông Nguyễn Thanh Đằng trực tiếp chỉ huy cùng đơn vị chiến đấu bám giữ địa bàn. Liên tục trong 5 ngày đêm đánh trả nhiều đợt tiến công của địch, bảo vệ an toàn khu địa đạo và giữ vững địa bàn.
Anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng
Trong những năm 1968-1969, địch dùng máy ủi, xe bọc thép càn quét nhằm phong tỏa và hủy diệt căn cứ Hắc Dịch của ta. Khi đó, Tỉnh ủy và Huyện ủy chỉ đạo phải chặn đứng kế hoạch của địch. Nguyễn Thanh Đằng cùng 2 đồng đội đã xung phong nhận nhiệm vụ. Ông sử dụng hỏa lực B40 liên tục nhiều ngày đánh phá địch. Sau nhiều trận phá hủy xe ủi, bẻ gãy kế hoạch phong tỏa của địch, riêng ông đã tiêu diệt 1 xe tăng M113 và làm hư hỏng 2 xe ủi. Với thành tích này, một lần nữa ông được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Trong những năm 1969-1971, tình hình chiến trường Châu Đức gặp muôn vàn khó khăn do biệt kích Úc liên tục đánh phá từ cơ sở đến các khu căn cứ. Lực lượng ta bị tiêu hao nặng nề. Đơn vị phải luôn di dời căn cứ; cuộc sống bộ đội và du kích rất vất vả, phải ăn củ nần, rau rừng thay cơm. Trước khó khăn bủa vây, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Châu Đức vẫn không hề nao núng, giữ niềm tin và càng thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm. Khi đơn vị chuyển căn cứ về phía Đông lộ 2, biệt kích Úc lại tăng cường càn quét và bao vây khu căn cứ. Tình hình ngày càng trở nên khó khăn ác liệt hơn, LLVT huyện vẫn trong tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, Huyện ủy đặt ra nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm đường giải vây, tìm kiếm lương thực cứu đói cho LLVT. Lúc này, Nguyễn Thanh Đằng là Đại đội trưởng, Đại đội 41 Công binh bộ đội địa phương huyện Châu Đức, đã xung phong cùng với đồng đội nhận nhiệm vụ dẫn đường. Qua 2 ngày trên đường đi giải vây cứu đói, sáng 4/3/1971, nhóm của ông bị lọt vào vòng phục kích của biệt kích Úc. Nguyễn Thanh Đằng đã chiến đấu dũng cảm đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.
Nguyễn Thanh Đằng là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng. Ông dũng cảm trong chiến đấu và mưu trí, linh hoạt trong chỉ huy; luôn giành phần khó khăn cho bản thân, khiêm tốn, giản dị trong sinh hoạt và luôn được đồng đội tin yêu, mến phục.
Hiện nay, tại xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) có một ngôi trường và một tượng đài mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng. Thầy Trần Văn Đảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thanh Đằng cho biết, nhà trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho HS về quá trình chiến đấu, hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Đằng. Đặc biệt, từ 10 năm nay, nhà trường đã duy trì giải thưởng danh dự mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng cho HS có điểm trung bình cao nhất trong toàn trường với số tiền thưởng 1 triệu đồng/năm học. Bên cạnh đó, vào dịp lễ, Tết, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng; phân công HS trực nhật, dọn dẹp tại Tượng đài liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng. “Thông qua các hoạt động này, giúp các em hiểu rõ, ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay”, thầy Trần Văn Đảo nói.
PHƯƠNG NAM