4 khó khăn của nhà thầu xây dựng
Ngày 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết giai đoạn 2021-2024, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, số lượng dự án, công trình đầu tư xây dựng mới giảm sút, có giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng cao; vướng mắc... Trong đó, có 4 nhóm khó khăn chính:
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Ảnh: VGP
Các nhà thầu gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu đối với các dự án, công trình giao thông không được thực hiện kịp thời với tiến độ triển khai thi công xây dựng, hoặc mặt bằng xôi đỗ, gây khó khăn cho công tác thi công, xử lý nền đường, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và việc quản lý đảm bảo chất lượng đồng bộ.
Việc đang triển khai cùng lúc nhiều dự án trọng điểm như hiện nay (đặc biệt đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) dẫn đến khan hiếm một số nguồn vật liệu như cát đắp, đá 1x2, cấp phối đá dăm… phục vụ thi công cho các dự án.
Một số mỏ vật liệu được cấp phép nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án; một số mỏ giảm công suất khai thác nên các nhà thầu càng khó khăn trong việc tìm nguồn vật liệu phục vụ thi công.
Ngoài ra, sự thiếu hụt về công nhân xây dựng, đặc biệt là nhóm công nhân lành nghề, dẫn đến tăng giá nhân công xây dựng, gây khó khăn cho nhà thầu thi công trong tìm kiếm, huy động nhân lực.
Để tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng, Chính phủ đã cho áp dụng áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
“Đến nay, công tác xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc tại một số mỏ trong việc xác định chi phí đền bù, thủ tục cấp phép khai thác... thuộc trách nhiệm hướng dẫn của địa phương", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết.
Bộ Xây dựng cho biết thêm, trong quá trình thiết kế, chủ đầu tư chưa xem xét định hướng sử dụng các loại vật tư, thiết bị đảm bảo tính cạnh tranh thương mại, sẵn có trên thị trường để tránh tình trạng độc quyền, gây khó khăn cho nhà thầu thi công khi mua sắm vật tư, thiết bị.
Loạt đề xuất, kiến nghị gỡ khó
Là một trong các nhà thầu thi công các công trình trọng điểm quốc gia với tổng giá trị hợp đồng hơn 31.000 tỷ đồng, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách như chủ đầu tư chậm quyết toán, giá vật liệu trong quá trình thi công tăng đột biến gây ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, các mỏ được giao khai thác theo cơ chế đặc thù nhưng không đáp ứng được trữ lượng như địa phương cam kết, lực lượng lao động thiếu hụt nghiêm trọng…
Đại tá Khương Tất Thắng, Phó Tư lệnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn kiến nghị tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, vật liệu. Ảnh: VGP
"Đơn giá vật liệu tại các địa phương bao giờ cũng cao hơn giá trong bảng công bố đơn giá ban hành song chưa có chế tài quản lý, giám sát đối với các nhà cung cấp. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu phải mua với giá cao hơn nhiều lần giá được thanh toán làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả sản xuất”, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, doanh nghiệp này kiến nghị Thủ tướng, các Bộ, ban ngành rà soát lại các chế độ chính sách trong lĩnh vực xây dựng để có điều chỉnh hợp lý, phù hợp với thực tiễn như điều chỉnh định mức xây dựng, thống nhất các mẫu hợp đồng xây dựng, các quy định về phạt hợp đồng...
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đảm bảo nguồn vật liệu đất và cát đắp cho dự án và sớm định giá cát tại mỏ theo cơ chế đặc thù để làm cơ sở thanh toán và giải ngân.
Là nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Thủ tướng cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam sớm tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao (đường sắt, metro, giao thông thông minh, thành phố thông minh).
Đối với các dự án có quy mô lớn, cần xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.
"Thời gian qua, nhiều những đơn vị thi công các gói thầu lớn, chưa có tiền lệ thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025. Như vậy sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, trong việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước", Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.
Thiên An