Thiếu tướng Chuon Vichet, Đội trưởng đội hợp tác tỉnh Pailin cho biết: Đội K73 gửi biên bản ký kết hợp tác giữa tỉnh Long An và tỉnh Pailin. Tôi sẽ cố gắng tìm hài cốt của bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh trong chiến trường này để lấy về cho các gia đình. Trong vấn đề anh em hy sinh ở tỉnh Pailin, tôi cũng đã phổ biến cho người dân. Tôi sẽ giữ gìn đoàn kết với Đội K73 và lấy hài cốt bộ đội Việt Nam mang về nước. Tôi xin cảm ơn Đội K73 đã hỗ trợ test nhanh Covid. Chúng ta phải cùng nhau giữ gìn sức khỏe thật tốt.
Trong chuyến đi này, anh em trong Đội K73 chỉ vài người biết tiếng bạn hoặc học được vài câu chào hỏi xã giao, còn lại chủ yếu “nói bằng tay”. Dù xa cách về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán nhưng tình cảm gắn bó, thân thiện luôn được hai bên vun đắp. Trung tá Ton Sa Mon, Đội phó Đội hợp tác tỉnh Pailin là một trong những người biết tiếng Việt Nam, trở thành cầu nối để hai bên hiểu nhau hơn.
Trung tá Ton Sa Mon chia sẻ: “Bản thân tôi may mắn được đi theo đội hợp tác từ năm 2019. Tôi là người biết nói tiếng Việt Nam nên mọi vấn đề trao đổi giữa hai bên được tôi kết nối để bộ đội Việt Nam và bộ đội Campuchia gần gũi, hiểu nhau hơn. Đồng thời tôi giúp bộ đội Việt Nam kết nối với những người dân chỉ mộ để họ hiểu vấn đề, cung cấp thông tin chính xác. Tôi luôn mong muốn là người góp phần kết nối mang lại mối quan hệ “Việt Nam – Campuchia Samaky”.
Còn ông Chuon Chin, ấp Bắc Som, xã Stung Lach, huyện Sala Krau, tỉnh Pailin trước kia từng là người ở bên kia chiến tuyến với bộ đội Việt Nam. Giờ đây, khi đất nước hòa hợp dân tộc, ông là một trong những người dân nhiệt tình chỉ dẫn các thông tin liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam còn nằm lại trên đất bạn. Do thời gian dài nên trí nhớ của ông cũng có lúc nhớ, lúc quên vì vậy ông trực tiếp đi khảo sát vị trí thông báo cho đội hợp tác giúp bộ đội Việt Nam tìm kiếm được 3 hài cốt tại núi Trung Mon và 2 hài cốt tại núi Pot. Ông Chuon Chin nói: Tôi sống ở đây từ năm 1979. Tôi biết bộ đội Việt Nam lên đây đánh nhau theo đường 57 và lấy nước lên núi, bị chặn đánh trong năm 1980. Do thời gian dài nên trí nhớ của tôi có lúc nhớ, lúc quên vì vậy tôi trực tiếp đi khảo sát vị trí thông báo cho Đội hợp tác giúp bộ đội Việt Nam lấy hài cốt về nước”.
Thượng tá Trần Chí Công, Đội trưởng Đội K73 phấn khởi: “Để đến được đất Pailin, chúng tôi phải hành quân hơn 600 km. Quãng đường xa, không thông thuộc địa hình nhưng đơn vị luôn được sự tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh trong suốt hành trình. Ngoài ra, đơn vị còn được nhà chùa tạo điều kiện nơi ăn, ở, sinh hoạt. Sự giúp đỡ của đất nước bạn giúp Đội K73 vơi đi nhiều khó khăn trong suốt quá trình làm nhiệm vụ”.
Hành trình đi tìm đồng đội trên đấy nước tháp chùa tươi đẹp thấm đẫm tình thương yêu giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân nước bạn. Với tinh thần gác lại quá khứ, sự hòa hợp giữa bộ đội Việt Nam và những người từng bên kia chiến tuyến được gắn kết ngày càng đậm sâu trên tinh thần “Việt Nam- Campuchia Samaky” đời đời bền vững.