Với sự phát triển nhanh, TP Hồ Chí Minh đã đạt được thành tựu trên nhiều phương diện của đời sống. Tuy nhiên, cùng với thành công là những mặt trái và nguy cơ suy thoái về nhiều yếu tố văn hóa, xã hội. Một trong những vấn đề tương đối “nóng” hiện nay là văn hóa ứng xử của những người trẻ nơi công cộng.
Trong một cuộc khảo sát nhanh với hơn 700 người tham gia của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trên một số tờ báo, trang mạng xã hội, trang thông tin của Thành đoàn về những thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng cho thấy, những hành vi kém văn hóa thường xảy ra nhất ở nơi công cộng đối với người trẻ đó là: Xả rác bừa bãi; văng tục, chửi thề; chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng; viết bậy, bôi bẩn tại các công trình... Sau khi kết thúc những chương trình, lễ hội lớn, ta dễ nhận thấy rác được xả bừa bãi ra đường, vỉa hè dù đã bố trí thùng rác.
Văn hóa ứng xử trong nhà trường, nơi làm việc hiện nay cũng đáng báo động. Tình trạng học sinh dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết sự việc, hay thái độ thất lễ của học trò với giáo viên trở nên thường xuyên hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ngày nay như con dao hai lưỡi đối với người sử dụng nó, nhất là bạn trẻ nếu không biết kiểm soát nó. Người trẻ sử dụng mạng xã hội dễ dàng bị nhiễm những trào lưu của thế giới dù tốt hay xấu. Còn nhớ những “trào lưu” trong năm 2017 đã làm khuynh đảo giới trẻ TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung như: “Dậy thì thành công”; cầm chảo chạy lòng vòng nơi công cộng; thách thức làm một việc gì đó khi có đủ lượng người yêu thích... Những hiện tượng ấy, một mặt phản ánh sự đa dạng của cuộc sống, nhưng mặt khác cũng chỉ rõ nhiều nguy cơ xấu về ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi ứng xử không đẹp của người trẻ nơi công cộng, trên mạng xã hội. Chẳng hạn như muốn thể hiện cái tôi khác biệt của mình; ảnh hưởng từ giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội; chế tài cho hành vi kém văn hóa chưa nghiêm; sự vô cảm của cộng đồng..., tất cả đều tác động đến ý thức nơi công cộng của người trẻ.
Theo một số bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh, văn hóa ứng xử của người trẻ ảnh hưởng rất nhiều từ nếp sống gia đình. Nếu gia đình có sự giáo dục tốt thì sẽ tác động tốt lên ý thức của người trẻ. Gia đình, nhà trường, xã hội phải có mối liên kết chặt chẽ trong giáo dục văn hóa ứng xử. Các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, cần phải xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử phù hợp để mọi người thực hiện. Tổ chức đoàn, hội phải là đơn vị chủ lực trong việc xây dựng văn hóa ứng xử cho người trẻ; thay đổi cách tổ chức hoạt động, phong trào một chiều bằng cách chú trọng thăm dò, tìm hiểu xem bạn trẻ mong muốn điều gì để đưa ra những phong trào thiết thực.
Với sự phát triển của mạng xã hội, tổ chức đoàn, hội phải tận dụng những lợi thế của nó để phát động những trào lưu tích cực cho thanh niên. Những chương trình như “Việc tốt mỗi ngày, người tốt mỗi tuần” nếu được tuyên truyền rộng rãi trên mạng xã hội sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, từ đó loại dần những điều xấu mà mạng xã hội mang lại. Thực hiện được điều đó, tổ chức đoàn, hội sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng con người mới TP Hồ Chí Minh có lối sống thật sự văn minh, hiện đại, nghĩa tình...
Bảo Linh
Nguồn: nhandan.com.vn