Trên cơ sở nhận thức rõ vị trí, vai trò của khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ quan trọng này; trọng tâm là Nghị quyết 28, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị, Nghị định 152, Nghị định 02, ngày 05-01-2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152,… Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Đồng thời, “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Có kế hoạch ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể xảy ra đột biến. Cùng với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Thủ tướng Chính phủ và hệ thống các văn bản, hướng dẫn của các bộ, ban ngành, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển được hình thành từ hệ thống làng, xã chiến đấu, các khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần-kỹ thuật,… trên các huyện đảo và các hướng trọng điểm ven biển. Nó được liên kết chặt chẽ với thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận phòng thủ của Quân khu và cả nước. Khi đất nước xảy ra chiến tranh, thế trận đó được bổ sung, tăng cường, chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Để triển khai có hiệu quả việc xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển, cần tập trung thực hiện một số nội dung định hướng cơ bản sau:
Trước hết, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm; xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp là các tỉnh, thành phố tuyến ven biển cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trên cơ sở đó, xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo của cấp mình về xây dựng khu vực phòng thủ cho từng năm và từng thời kỳ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá phù hợp, hiệu quả. Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ phải theo hướng: “...vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận, trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế,… quốc phòng, an ninh và đối ngoại…
Hai là, xây dựng hệ thống làng, xã, các tổ chức kinh tế tuyến ven biển, lực lượng dân quân, tự vệ làm chủ, sẵn sàng chiến đấu trong thời bình và chuyển thành xã, phường chiến đấu khi chiến tranh xảy ra. Làng, xã chiến đấu là mô hình phòng thủ truyền thống của dân tộc ta; là cơ sở nền tảng của thế trận khu vực phòng thủ trọng điểm hướng biển, được liên kết giữa các làng, xã, thôn, xóm,… trên tuyến ven biển, đảo và đất liền thành một khối thống nhất theo phương án và kế hoạch phòng thủ, để nhân dân và các lực lượng vừa sản xuất, vừa bám trụ đánh địch bảo vệ địa bàn trong tình huống xung đột vũ trang hoặc nếu (xảy ra) chiến tranh. Vì vậy, các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Ba là, xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương tại chỗ vững chắc. Đây là những nội dung chủ yếu trong xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm ven biển cần tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay từ thời bình. Khu vực phòng thủ then chốt của khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển là địa bàn trọng yếu của các tỉnh, huyện ven biển, nơi địa hình có giá trị về chiến thuật, chiến dịch mà ta phải quyết giữ vững; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến sự ổn định của thế trận tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố và Quân khu trên hướng biển. Do đó, khu vực phòng thủ then chốt cần được ưu tiên về quy hoạch, đầu tư nhằm bảo đảm đủ điều kiện cần thiết để xây dựng vững chắc, toàn diện hơn các khu vực khác.
Đối với căn cứ chiến đấu, được lựa chọn xây dựng ở địa bàn ổn định (có thể được xây dựng trên các đảo), nơi có địa hình thuận lợi, cơ sở chính trị vững chắc, được chủ động chuẩn bị về vật chất kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng trụ bám chiến đấu dài ngày. Trước mắt, cần nghiên cứu quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên các địa bàn trọng điểm ven biển để có kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng các công trình của căn cứ chiến đấu; thực hiện làm từng bước, vững chắc, kiên cố, liên hoàn, bảo đảm cho các lực lượng có thể trụ vững trước đòn tiến công của địch. Việc xây dựng căn cứ hậu phương phải kết hợp với xây dựng căn cứ chiến đấu, lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu, kịp thời huy động lực lượng, vật chất tại chỗ để có thể tự lực bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình huống bị địch bao vây, phong tỏa.
Bốn là, phát huy vai trò chức năng tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể địa phương; cơ quan quân sự làm trung tâm. Khi xây dựng khu vực phòng thủ, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương cần phải phát huy và đề cao vai trò làm tham mưu của các cơ quan, ban ngành đoàn thể địa phương, trong đó lấy cơ quan quân sự làm trung tâm.
Năm là, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ, phòng ngự và bảo vệ. Trong quá trình xây dựng, phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng điểm, liên hoàn, vững chắc, tiện chi viện hỗ trợ lẫn nhau và chủ động đánh địch từ xa đến gần (cả trên biển, đảo, trên không và trên đất liền). Tiếp tục rà soát, quy hoạch xây dựng hệ thống sở chỉ huy tác chiến cấp chiến dịch, chiến lược; các trận địa phòng không; các công trình bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược về chính trị, kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, nhất là các công trình che giấu vũ khí, khí tài chiến đấu của Hải quân, trận địa tên lửa bờ và hệ thống kho tàng trên địa bàn. Chú trọng việc cải tạo, nâng cấp kết hợp với làm mới hệ thống đường bộ ven biển và tuyến đường liên huyện, liên tỉnh hướng ra ven biển, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh (trong thời bình), vừa bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện cơ động tác chiến và vận tải tiếp tế hậu cần, kỹ thuật.
Xây dựng khu vực phòng thủ trọng điểm tuyến ven biển ngày càng vững chắc là chủ trương chiến lược và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Vì thế, cùng với phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương từ Trung ương đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, làm cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này trong tình hình mới.