Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đưa ra những chiến lược và giải pháp trong giai đoạn sắp tới để đưa ngành hàng hải Việt Nam ra biển lớn.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)
Theo ông, sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu biển và sản lượng hàng hóa đã tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam. Hiện nay, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam đã đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây 10 năm. Trong khi đó, Singapore – cảng trung chuyển lớn nhất khu vực – đang xử lý khoảng 37 triệu TEU.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, lãnh đạo VIMC tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua Singapore trong tương lai gần.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề nạo vét luồng lạch. Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án nạo vét cần phải được triển khai nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu của các tàu lớn.
Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động này vẫn còn đang hạn chế và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Đồng thời, các cảng cũng cần áp dụng mô hình “cảng mở”, tích hợp hệ thống hải quan nhằm giảm thời gian thông quan, giúp vận chuyển hàng liên cảng và tăng tính cạnh tranh.
Để giải quyết những điểm nghẽn này, VIMC đã tập trung nguồn lực lớn nhất vào các dự án cảng nước sâu mang tính chiến lược.
Điển hình là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của ngành hàng hải Việt Nam. Với vị trí chiến lược, cảng Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Chúng tôi rất mong chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án này và đề nghị TP.HCM sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Đây sẽ là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các cảng biển lớn trên thế giới”, ông Tĩnh chia sẻ.
Khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng với cụm cảng Cái Mép- Thị Vải sẽ trở thành 1 tổ hợp cảng giúp nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam, tái định tuyến lại bản đồ hàng hải của khu vực hiện tại và tương lai là Nội Á. Không những thế, cụm cảng này còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.
Song song với việc nâng cấp hạ tầng cảng biển, VIMC cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh đội tàu biển quốc gia thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn nhất thế giới. Bằng cách này, VIMC không chỉ tận dụng được tệp khách hàng lẫn thị trường sẵn có của đối tác mà còn mở rộng mạng lưới vận tải nhanh chóng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trước đó vào tháng 3/2024, TP.HCM đã trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030. Theo đề án, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Công trình được gọi là siêu cảng này có mức đầu tư lên tới 5,5 tỷ USD, dự kiến đủ khả năng cạnh tranh với Singapore, Malaysia.
Diệu Trang