Hình minh họa
TP.HCM phát triển chia 3 tiểu vùng đô thị với 10 trục không gian
Mục tiêu tổng quát là phát triển TP.HCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo. Đồng thời, là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến 2030, không gian kinh tế - xã hội các quận huyện, TP Thủ Đức phát triển chia thành 3 tiểu vùng với 9 phân vùng. Cụ thể, tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.
Đến năm 2030, tiểu vùng này bao gồm 16 quận, được chia thành 4 phân vùng, trong đó phân vùng 1 là quận 1; phân vùng 2 gồm các quận 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận; phân vùng 3 gồm các quận 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú; phân vùng 4 gồm quận 12, Bình Tân.
Tiểu vùng TP Thủ Đức là đô thị loại I, đô thị song hành giữ vai trò là cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao và hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố. Tiểu vùng khu vực ngoại thành sẽ đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới.
Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ là đô thị vệ tinh, sau đó mới nâng cấp lên thành phố
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch xác định đến năm 2030, tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Thành phố sẽ phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng "làng trong phố, phố trong làng", kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững.
Tiếp tục phát triển TP.HCM là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: Thành phố Thủ Đức là đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Hình thành không gian phát triển mới cho TP.HCM thông qua việc quy hoạch, xây dựng không gian ngầm, không gian nước, không gian số. Triển khai quy hoạch, xây dựng không gian ngầm trên địa bàn trong quá trình quy hoạch đô thị.
Thông tin mới về dự án mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch nối TP.HCM với ĐBSCL
Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư mở rộng đoạn cao tốc từ TP.HCM - Tiền Giang dài 91km qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang.
"Hiện Ban được giao chuẩn bị đầu tư 4 dự án, trong đó dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô lớn nhất. Do vậy, Ban cần sớm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý để Bộ GTVT xem xét trình cơ quan thẩm quyền sớm thẩm định", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án 7.
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đang được lên kế hoạch nhằm nâng cao năng lực giao thông và giảm ùn tắc trên tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây.
Theo đó, đoạn cao tốc từ TP.HCM đến Trung Lương sẽ được mở rộng từ 4 làn xe hiện tại lên 8 làn xe, trong khi đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được nâng cấp từ 4 làn lên 6 làn xe. Việc mở rộng này không chỉ giúp giảm tải cho quốc lộ 1A mà còn đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa và hành khách được thuận lợi hơn, đặc biệt trong bối cảnh lưu lượng giao thông trên tuyến ngày càng gia tăng. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cải thiện hạ tầng giao thông liên vùng và tạo động lực thu hút đầu tư.
Hơn 20 dự án với vốn đầu tư dự kiến hơn 1,7 tỷ USD sắp đổ bộ "thủ phủ công nghiệp" của Việt Nam
Chiều 02/01, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Lễ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp đầu tư tại Bình Dương. Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 dự án và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD.
Trong đó, có những dự án có vốn đầu tư cao như dự án khu nhà ở Quang Phúc 4 (tại TP.Tân Uyên) có quy mô 26 ha của Công ty CP QP Township với vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng; dự án khu nhà ở Bình Mỹ 3 (H.Bắc Tân Uyên) của Công ty CP Bất động sản Bắc Bình Dương với vốn đầu tư trên 3.700 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu phức hợp căn hộ - Thương mại dịch vụ vườn sao Vĩnh Phú (TP.Thuận An) của Công ty TNHH Tổ chức Nhà Quốc Gia Vĩnh Phú, với vốn đầu tư trên 3.400 tỷ đồng; Công ty cổ phần Bất động sản Tân Việt Phát với hơn 3.200 tỷ đồng…
Về dự án khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Công nghiệp An Điền với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng 360 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Về dự án điện, Bình Dương cũng trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia với dự án trạm biến áp 220kv Bến Cát 2 và các đường dây đấu nối, vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng; Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia với dự án trạm biến áp 220kv Bình Mỹ và đấu nối, vốn đầu tư 441 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực miền Nam với dự án lộ ra 10kv trạm 220kv Tân Định 2, vốn đầu tư 247 tỷ đồng.
Đề xuất hơn 12.800 tỷ đồng xây 5,5km đường trên cao từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao Cổng 11
Dự án bao gồm ba hạng mục chính: Hoàn thiện nút giao ngã tư Vũng Tàu. Xây dựng cầu vượt trên quốc lộ 1, đoạn tránh TP.Biên Hòa. Xây dựng đường trên cao dọc quốc lộ 51, dài khoảng 5,5km, từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11, với tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h và quy mô 6 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 12.800 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của việc hoàn thiện hai nút giao này, đặc biệt khi lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 51 ngày càng tăng và dự kiến sẽ gia tăng hơn nữa khi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi vào hoạt động năm 2026.
Do Bộ Giao thông Vận tải chưa bố trí được nguồn vốn cho dự án đến năm 2030 và ngân sách tỉnh đang gặp khó khăn, tỉnh Đồng Nai hoan nghênh đề xuất đầu tư theo hình thức PPP của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.
Năm 2024, nguồn cung bất động sản tăng trưởng mạnh
VARS cho biết, nguồn cung BĐS nhà ở năm 2024 tăng trưởng mạnh theo năm với ngày càng nhiều các dự án quy mô lớn mở bán vào thời điểm cuối năm cùng các chính sách thanh toán ưu đãi, linh hoạt.
Tại thời điểm cuối năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận khoảng 56 nghìn sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp, tương đương với thời điểm cuối năm 2023 do nhiều dự án "giải phóng" được lượng lớn hàng tồn trong bối cảnh thị trường phục hồi.
Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận khoảng gần 81 nghìn sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65,376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023, nhưng mới chỉ bằng khoảng 7% so với năm 2018 - năm chưa xảy ra đại dịch. Riêng quý 4/2024, thị trường ghi nhận 28 nghìn sản phẩm chào bán mới, gấp 2 lần so với quý trước và gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023.
Lượng giao dịch trong năm 2024 cũng tiếp tục tăng trưởng ổn định khi nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất. Nhu cầu mua BĐS, bao gồm cả để ở và đầu tư rất cao và đang không ngừng tăng cùng tốc độ đô thị hóa và quá trình phát triển kinh tế, trên nền tảng hành lang pháp lý được hoàn thiện.
Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47 nghìn giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư. Trong đó,có một lượng đầu cơ nhất định. Về cơ cấu giao dịch, căn hộ cao cấp là loại hình áp đảo thị phần, chiếm 75% lượng giao dịch toàn thị trường. Các dự án mới có tỷ lệ hấp thụ rất tốt, đạt trên 70%. Đặc biệt, nhiều dự án ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên tới trên 90% ngay thời điểm chính thức mở bán. Nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp được "sang tay" ngay cả khi chưa hoặc mới ký kết hợp đồng mua bán.
Đường Vành đai sân bay Cần Thơ chính thức thông xe
Đường Vành đai sân bay Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 137 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP .Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tuyến đường dài 1,7km, bắt đầu từ đường Võ Văn Kiệt (trước cổng Sân bay Cần Thơ) và kết thúc tại điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Quốc lộ 91), thuộc địa bàn quận Bình Thủy.
Để thực hiện dự án, gần 62.500m2 đất bị thu hồi, trong đó đất quốc phòng chiếm hơn 92% (hơn 57.500 m2). Đây là tuyến đường quan trọng kết nối Sân bay Cần Thơ với Quốc lộ 91, góp phần giảm tải cho đoạn Quốc lộ 91 qua trung tâm thành phố vốn nhỏ hẹp, quá tải.
Khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai sân bay Cần Thơ không chỉ giúp kết nối giao thông thuận lợi mà còn cải thiện đáng kể đời sống của người dân trong khu vực. Bên cạnh việc giảm áp lực giao thông cho trung tâm thành phố, đường mới còn tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP.Cần Thơ, từ đầu năm 2024, đơn vị này cùng các nhà thầu đã tập trung thi công nhiều công trình trọng điểm nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông của thành phố. Đáng chú ý là Dự án thành phần 2 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP.Cần Thơ, có tổng chiều dài 37,2km và tổng mức đầu tư 9.725 tỉ đồng.
Hoàng An