"Một giọt xăng, hạt gạo vào chiến trường trộn lẫn, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao người. Một tấn xăng qua trọng điểm phải đổi tới hàng chục sinh mạng."
Ngày 29-1-1966, trong chuyến đi kiểm tra công tác chuẩn bị ở trung đoàn 27, xe chở Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận 565 bộ đội Trung - Hạ Lào, bị trúng bom trên đất Lào. Tài xế - chiến sĩ Nguyễn Chơn hi sinh ngay trên vôlăng, anh em y sĩ, bảo vệ tháp tùng ông đều dính thương vong.
Vị anh hùng của Trường Sơn
Đại tá Đồng Sĩ Nguyên cũng bị thương nặng. Nhưng như một phép mầu, sau ba tháng điều trị qua các quân y viện, ông đã bình phục và tiếp tục ra mặt trận để rồi năm sau chính thức trở thành Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Trước đó, ông đã rời vị trí Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN vào giữ cương vị Chính ủy Quân khu 4, rồi về với con đường chiến lược xuyên qua núi rừng và trở thành huyền thoại của Trường Sơn...
Tinh thần quyết liệt của ông Đồng Sĩ Nguyên luôn được nhắc đến trong những thời điểm ác liệt nhất trên mặt trận Trường Sơn. Khi đường dây vận chuyển xăng dầu cơ giới bị tắc, những người lính của ông đã dùng balô gùi xăng vượt núi.
"Một tiểu đoàn gần 500 con người cõng từng balô xăng vượt đèo La Trọng, đường 12... như đàn kiến khổng lồ tha mồi về tổ.
Những tấm lưng bỏng rộp bởi sức nóng mặt trời miền nhiệt đới ngày hè và bởi bịch xăng đang như sôi lên bởi cái nắng đó.
Sau một vài chuyến, balô bị mủn ra, lưng áo người lính cũng mủn ra bởi nắng núi mưa ngàn, bởi đạn chặn, bom vùi. Và không biết có bao nhiêu tấm lưng bỏng rộp lên vì nhiễm độc xăng.
Tôi lệnh cho Binh trạm 31 tìm cách đưa ngay số xăng này vào Lùm Bùm. Từ Mụ Giạ, công binh khéo léo ghép các phuy xăng lại thành bè mảng, cử các "tay sào" lão luyện đưa "mảng" xăng xuôi theo dòng Nậm Hơ về Nậm Ngo, tới Xiêng Phan.
Từ đây, các phuy xăng được vần bộ vượt ba chục cây số vào Pác Pha Năng, chuyển qua sông Xê Băng Phai, lăn bộ hơn hai chục cây số nữa vào Tha Pa Chôn, Binh trạm 32 tiếp nhận, đưa về Lùm Bùm.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Một giọt xăng, hạt gạo vào chiến trường trộn lẫn, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao người. Một tấn xăng qua trọng điểm phải đổi tới hàng chục sinh mạng".
Thật khó để kể hết những điều vĩ đại mà ông cùng với những người lính đã dâng hiến cho con đường Trường Sơn trong kháng chiến. Nhưng ấn tượng nhất trong những chuyện về ông lại là các chi tiết giản dị mà xúc động.
Ông kể lần đến thăm tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong đang mở đường ở đoạn phía nam huyện Đakrông (Quảng Trị) vào năm 1974, khu vực này vừa được giải phóng.
Ông hỏi chị em có kiến nghị gì không, chị tiểu đoàn trưởng chỉ bảo: "Thủ trưởng cho chúng em xin vài cân quả bồ kết!".
Ông quay sang nói với sĩ quan đi cùng cho người ngày mai ra Hướng Hóa hay Đông Hà mua mang lên, chỉ thế thôi mà chị em đấm lưng nhau vui mừng.
Rồi ông cảm khái khi mới vào tuyến, mái tóc chị em ai cũng đen cũng mượt, vậy mà sốt rét, ốm đau, thời tiết khắc nghiệt, chị em vẫn chỉ xin những thứ rất "phụ nữ" chứ không nề hà gian nguy!
Tư lệnh đi làm kinh tế
Nghe chúng tôi báo tin Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên qua đời, ông Hoàng Đình Cao bàng hoàng dù biết rõ thủ trưởng cũ mình nay đã 96 tuổi, sức yếu từ lâu.
Rồi ông xúc động nhắc nhớ những năm tháng Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên sát cánh cùng thư ký riêng Hoàng Đình Cao vốn là một chuyên viên kinh tế cùng chung gánh khó khăn sóng gió nhiệm kỳ đầu đổi mới (1986-1991): "Ông mang tinh thần người lính vào công việc. Ấn tượng mạnh nhất của chúng tôi. Nhiều lúc chúng tôi cũng không hài lòng, nhưng sau này nhìn lại thấy thời điểm ấy quả là cần tinh thần ấy".
Năm 1986, đổi mới đã được "bật đèn xanh", nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là lương thực.
Sau khi xóa bỏ "ngăn sông cấm chợ", tình hình miền Nam tạm ổn định, nhưng miền Bắc lại liên tục gặp bão lụt, mất mùa.
Là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách vấn đề lương thực lẫn giao thông, ông Đồng Sĩ Nguyên đứng ra làm tổng tư lệnh việc vận chuyển lúa gạo từ Nam ra Bắc.
Ông Cao kể lại những ngày trực chiến ấy: "Ông thúc giục chúng tôi cố gắng. 50.000 tấn gạo một tháng, rồi 60.000, 70.000 tấn. Tôi nói số lượng đã lên đỉnh rồi, ông lại bảo: cố 72.000 tấn đi, chúng ta không thể theo chỉ tiêu.
Ông trực tiếp vào TP.HCM, ra đứng ở cảng Sài Gòn xem tình hình bốc xếp gạo lên tàu, gọi điện theo dõi tình hình thu mua, chuyên chở ở miền Tây.
Có hôm, nửa đêm ông còn yêu cầu tôi gọi điện cho giám đốc Sở Nông nghiệp Đồng Tháp. Tôi than thở: "Anh ơi, 1 giờ sáng rồi, để sáng mai". Ông gạt phắt: "Có vậy thì anh ấy mới hiểu việc khẩn cấp". Ông vẫn nóng rực như còn là tướng trận".
Sau giai đoạn cứu đói, ông lại vào Nam, đến miền Tây, vào tận nhà dân, tìm vào kho các sở nông nghiệp, tìm hiểu xem vì sao địa phương than khó thu mua.
Lúa chất lên tận nóc nhưng dân không muốn bán cho Nhà nước vì giá mua rẻ, tiền lại mất giá do lạm phát. Kho hợp tác, kho sở cũng không còn chỗ chứa, điều kiện bảo quản không tốt, chuyên chở lại khó khăn.
Về, ông nhận xét: "Đủ thứ khó vậy nên miền Bắc phải ăn gạo hẩm, còn lúa trong Nam để mọc mầm vẫn không bán. Giải pháp nào để bà con được bán lúa tốt, ăn gạo tốt? Tìm cách xuất khẩu được không?".
Ông Cao trầm ngâm: "Ý tưởng xuất khẩu gạo đã phát sinh từ chính thực tế như vậy, nhưng thực hiện đâu dễ. Tôi báo cáo: tỉnh Cửu Long đã điện ra xin được nhập khẩu vàng mà Chính phủ chưa trả lời. Phải có vàng để đổi lấy việc bà con bán lúa thì may ra giải quyết được".
Ông hào hứng đến trình bày với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc ấy là ông Đỗ Mười và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt. Ông Đỗ Mười chưa nhất trí nhưng không phản đối. Ông Võ Văn Kiệt thì nói "tiếp tục theo dõi tình hình để báo cáo" với ý "đèn xanh".
Một lần nữa, tính quyết đoán của tướng trận bật lên, ông về bảo: "Chúng ta phải chủ động chớ không bị động. Nhất trí nhập vàng đổi lúa".
Tinh thần tướng trận vào hạt gạo, tem phiếu
Năm 1989, lượng lúa mua được từ nông dân miền Nam phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Lần đầu tiên xuất khẩu gạo ai cũng vui mừng, nhưng khó khăn chưa hết.
Ngay sau đó, miền Bắc lại xảy ra thiên tai, mất mùa, đói kém. Chính phủ họp căng thẳng, những người đã ủng hộ chủ trương xuất khẩu gạo bị quy kết, phê phán nhiều nhất.
Ông Đồng Sĩ Nguyên vẫn bình tĩnh xử lý các công việc thuộc ngành giao thông để rút ngắn thời gian vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc, đồng thời tính đến cả phương án mua gạo "dưới gầm bàn" từ Thái Lan (do khi ấy Việt Nam vẫn còn bị hạn chế bởi lệnh cấm vận).
"Ông luôn nhắc nhở chúng tôi: lúc nào cũng phải tính đến hoàn cảnh khó khăn nhất, tư duy người lính là như vậy" - ông Cao nhắc lại.
"Những năm ấy vất vả nhưng cũng nhiều thú vị" - ông Cao mỉm cười. Như câu chuyện sau Đại hội VI, nhiều tỉnh đã quyết liệt bỏ hẳn chế độ tem phiếu, nhưng Hà Nội thì chưa.
Đến gặp ông Lê Văn Lương, khi ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội, hai lần vẫn chưa thuyết phục được, giáp tết ông bảo ông Cao: "Lấy cặp bánh chưng, ta đến ông Lương chuyến nữa".
Bóc chiếc bánh chưng ăn tết sớm, ông Nguyên lần nữa kiên nhẫn: "Ngày mai anh đến kho lương mà xem, chúng tôi đã trữ lương thực gấp ba lần nhu cầu của Hà Nội". Lần này, ông Lê Văn Lương gật đầu.
Và vị tướng ra đi, để lại bao nỗi nhớ thương, kính phục!
Giờ đây, đến Quảng Trị, nơi thiêng liêng mà ai cũng muốn tới là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - nơi nằm lại của hơn một vạn liệt sĩ hi sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên cả hai nước Việt - Lào, ít ai biết từ năm 1974, khi cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn, ông Đồng Sĩ Nguyên đã đích thân cùng các đồng sự đi chọn mảnh đất để quy tập những người lính Trường Sơn về quây quần bên nhau.
Lá thư ông Đồng Sĩ Nguyên xin được an nghỉ bên đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Ảnh: Q.NAM
Từ 10 năm trước, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng đã có viết thư cho anh em ở ban quản trang và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với ý định mai đây khi nằm xuống, ông muốn về an nghỉ ở đây cùng những người lính của mình, trên những mái đồi chứa chan nắng gió Trường Sơn.
- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sinh năm 1923 tại Quảng Trạch, Quảng Bình.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông là phái viên Bộ tổng Tư lệnh, tham gia nhiều chiến dịch.
- Năm 1964, ông được đề bạt giữ chức vụ Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân VN một thời gian, năm 1965 được điều về làm Chính ủy Quân khu 4, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào.
- Đầu năm 1966, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương.
- Đầu năm 1967, ông được điều làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn và giữ chức vụ này đến năm 1976.
- Năm 1976, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Giai đoạn 1982 - 1991, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là ủy viên Trung ương Đảng khóa IV; ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa I, VI, VII, VIII.