Vì con người và cho con người là mục tiêu hướng tới của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, khi người dân gặp các sự cố thiên tai, tai nạn, môi trường... gây thiệt hại về người và tài sản, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể của Việt Nam luôn hướng đến người dân, sát cánh cùng nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
1512 lượt xem
Vì con người và cho con người là mục tiêu Việt Nam luôn hướng tới
Ảnh minh họa/TTXVN.
Tuy nhiên, một số kẻ xấu, phần tử phản động thông qua mạng xã hội và một vài trang mạng ở nước ngoài lại nói rằng chính quyền Việt Nam “vô cảm”, “bỏ mặc người dân” hay “cản trở” các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân... Cần phải khẳng định rằng, đó là một sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu để giành lấy các quyền cơ bản của con người. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Cũng vì lẽ đó mà cùng với tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hết mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người trên thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và ngay trong bảnTuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) công bố trước quốc dân, đồng bào và bè bạn năm châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "... tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...". Ham muốn, tâm nguyện đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh rõ nét khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam mà còn là lời khẳng định: Vì con người và cho con người, là mục đích, tôn chỉ hoạt động nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tinh thần hướng đến người dân, chăm lo cho nhân dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam được thể hiện toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Điều này được thể hiện rõ nét khi người dân gặp khó khăn, hoạn nạn.
Nói đến những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới do các thảm họa thiên nhiên không thể không nhắc đến Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới. Tính trung bình trong 20 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 650 sự cố thiên tai (bao gồm lũ lụt, bão, lốc, mưa đá, sạt lở đất và hạn hán...), gây thiệt hại về kinh tế ước tính gần 40.000 tỷ đồng (khoảng 0,9% GDP). Riêng trong giai đoạn 2010-2015, trung bình mỗi năm, Việt Nam chi từ ngân sách khoảng 11.000 tỷ đồng cho việc cứu trợ khẩn cấp người dân khắc phục hậu quả thiên tai...
Cùng với những chủ trương, giải pháp ấy, Chính phủ Việt Nam còn chỉ đạo và kêu gọi các cấp, ngành, các lực lượng, đoàn thể, cả cộng đồng vào cuộc với quyết tâm không để người dân bị đói, bị rét; bảo đảm cho người dân có nơi ăn chốn ở; hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có việc làm thích hợp, sớm ổn định cuộc sống. Mặc dù chịu nhiều thiên tai, thảm họa với tần suất lớn như vậy, nhưng Việt Nam đã tổ chức khá tốt công tác phòng tránh theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhiều quốc gia trên thế giới rất ngạc nhiên về điều này và đã đến Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc di dời, sơ tán dân lịch sử, chỉ trong một đêm, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các lực lượng đã vận động và sơ tán hàng chục nghìn người dân từ khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn... Khi các sự cố thiên tai, thảm họa xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo “bảo vệ tính mạng người dân là trên hết”, “cứu người trước, cứu tài sản sau”... Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước thiên tai, thảm họa đã trở thành nhiệm vụ chiến đấu của LLVT trong thời bình. Nhiều cán bộ, chiến sĩ LLVT đã hy sinh và bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ cao cả này. Sau mỗi trận thiên tai, Nhà nước Việt Nam và các cấp chính quyền đều có các biện pháp kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm, cơ sở vật chất thiết yếu cho người dân bị nạn. Công tác giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai cũng được các cấp, các ngành, các tổ chức, các lực lượng triển khai hết sức khẩn trương và hiệu quả.
Đối với các sự cố tai nạn, ngay sau mỗi sự cố xảy ra, Chính phủ Việt Nam một mặt chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, mặt khác có ngay các biện pháp cụ thể để cấp cứu, tìm kiếm, hỗ trợ các nạn nhân... Các vụ việc tàu cá của ngư dân bị cướp, bị tàu lạ đâm chìm hay gặp sự cố hỏng hóc, tai nạn giao thông... đều được các bộ, ngành chỉ đạo lực lượng chức năng như các trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Công an... phát hiện, ứng cứu và xử lý kịp thời, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân Việt Nam, các lực lượng chức năng của ta còn có mặt kịp thời tìm kiếm, ứng cứu, cứu trợ nhân đạo và xử lý có hiệu quả nhiều vụ việc, bảo vệ tính mạng và tài sản của người nước ngoài, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tương tự đối với các sự cố liên quan đến an ninh, trật tự xã hội và môi trường cũng vậy. Đi đôi với việc phòng ngừa từ xa, khi sự việc xảy ra, các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng luôn có mặt kịp thời, khẩn trương triển khai những biện pháp xử lý quyết liệt để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Sự cố môi trường ở một số tỉnh miền Trung mới đây là một ví dụ. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Thủ tướng Chính phủ khẳng định rõ, dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng đều bị điều tra, làm rõ trên cơ sở căn cứ khoa học. Chính phủ Việt Nam quyết tâm xem xét, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào, tuyệt đối không có sự bao che, dung túng. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả môi trường.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp nhằm giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng từ sự cố. Việt Nam trân trọng, đánh giá cao và tạo mọi điều kiện để các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác với Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong khắc phục, xử lý các sự cố thiên tai, tai nạn trên tinh thần thiện chí và xây dựng.
Có thể khẳng định, trong mọi trường hợp, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể của Việt Nam luôn hướng đến người dân, sát cánh cùng người dân, nỗ lực bằng nhiều biện pháp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng từ các sự cố thiên tai, tai nạn, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Một số kẻ xấu, phần tử phản động nói rằng chính quyền Việt Nam “vô cảm”, “bỏ mặc” hay “cản trở” các hoạt động hỗ trợ ngư dân... là sự xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn. Việt Nam kiên quyết phản đối và lên án mọi hành vi lợi dụng những sự cố thiên tai, tai nạn để tuyên truyền, kích động nhằm chống phá Việt Nam.
(Theo QĐND)